Tháo gỡ bất cập chính sách hỗ trợ phát triển KH&CN
Các chính sách hỗ trợ phát triển KH&CN mà tỉnh Bình Định ban hành đã khuyến khích, thúc đẩy các cá nhân, tổ chức và DN tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy các chính sách hỗ trợ này đã bộc lộ một số điểm bất cập, cần sớm được điều chỉnh.
Ông Huỳnh Xuân Trường, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ (Sở KH&CN), cho biết: Từ Nghị quyết số 14/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh (NQ 14), UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 50/2020/QĐ-UBND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển KH&CN (QĐ 50). Các chính sách gồm: Hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ; hỗ trợ xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn tiên tiến, đạt các giải thưởng về chất lượng quốc gia và quốc tế; hỗ trợ xây dựng và xác lập quyền sở hữu công nghiệp; hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN… Chính sách này đã tạo điều kiện cho DN đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, do hầu hết DN trong tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, vốn điều lệ thấp, nên gặp nhiều trở ngại trong đầu tư ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ.
Trợ lực để doanh nghiệp phát triển
Căn cứ NQ 14 và QĐ 50, Sở KH&CN đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện, tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân, tổ chức, DN trong tỉnh biết và đăng ký hưởng các chính sách theo NQ 14. Từ năm 2020 đến gần cuối năm 2022, qua hơn 2 năm triển khai, Sở KH&CN đã tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt hỗ trợ cho 19 tổ chức và DN với số tiền hơn 300 triệu đồng. Trong đó, tập trung vào công tác hỗ trợ xây dựng, xác lập quyền sở hữu công nghiệp; áp dụng thành công các hệ thống quản lý tiên tiến đạt giải thưởng về chất lượng quốc gia và quốc tế…
Nhờ linh hoạt, nên không ít DN vừa và nhỏ trong tỉnh đã tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ xây dựng và xác lập quyền sở hữu công nghiệp; tham gia các hội chợ trình diễn - kết nối cung cầu công nghệ; xây dựng, áp dụng thành công hệ thống quản lý tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả, như: Công ty TNHH Sachi Nguyễn, Công ty CP Tư vấn Đạt Phương, Công ty TNHH Thái An Bình Định, Công ty TNHH Thực phẩm Trương Gia, Công ty TNHH Yến Sào Đại Việt, Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng T.M.N, HTXNN Ngọc An…
Là một trong những đơn vị được hỗ trợ, đến nay HTXNN Ngọc An (phường Hoài Thanh Tây, TX Hoài Nhơn) đã có 2 sản phẩm được chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ, đó là bánh tráng nước dừa và dầu dừa tinh khiết. Cùng với đó, HTX còn áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn HACCP, bảo mật thông tin, sử dụng mã QR, mã vạch để quản lý sản phẩm, cho phép người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Nhờ đó không những hoạt động sản xuất thêm ổn định mà hiệu quả kinh doanh của đơn vị này không ngừng cải thiện, phát triển.
HTXNN Ngọc An là một trong những DN trong tỉnh được hỗ trợ chính sách phát triển KH&CN. Ảnh: HTX cung cấp
Có thể khẳng định 2 năm qua, NQ 14 và QĐ 50 đã khuyến khích, thúc đẩy các cá nhân, tổ chức và DN trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất, kinh doanh, phù hợp với định hướng phát triển KT-XH của địa phương; xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, giúp DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh.
Để chính sách bám sát cuộc sống
Dù vậy, với tinh thần thẳng thắn, ông Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN, phân tích: Do thời gian triển khai thực hiện NQ 14 còn ngắn, nên số lượng đối tượng được hỗ trợ còn ít so với thực tế. Nguyên nhân một phần là vì các cá nhân, tổ chức, DN chưa thật sự quan tâm, nắm bắt các chương trình hỗ trợ để đăng ký làm hồ sơ, đề nghị hỗ trợ theo quy định. Hơn nữa, KHKT, công nghệ phát triển không ngừng nên chính sách cũng cần điều chỉnh để có thể bám sát cuộc sống.
Trong quá trình triển khai NQ 14, những nảy sinh, hạn chế, bất cập phản hồi từ thực tế đã được ngành chức năng, UBND tỉnh ghi nhận kịp thời. Đơn cử như cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống ISO điện tử, phát triển DN KH&CN, về kiểm soát, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chất lượng đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh hoặc sản phẩm đạt chứng nhận OCOP… có nhiều điểm mới phát sinh trong thực tế đến nay vẫn chưa được bổ sung, cập nhật vào chính sách. Đó là chưa kể nội dung hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ được quy định trong NQ 14 nay không còn phù hợp. Đó là một phần của nguyên nhân khiến đến nay tỉnh Bình Định chưa có trường hợp nào được xét duyệt hỗ trợ trên lĩnh vực chuyển giao công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ.
Chính sách hỗ trợ phát triển KH&CN theo NQ 14 đã khuyến khích, thúc đẩy các cá nhân, tổ chức và DN ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn bất cập ở một số cơ chế, chính sách khi vận dụng vào thực tiễn.
- Trong ảnh: Hoạt động sản xuất con giống gia cầm ở Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước). Ảnh: T.LỢI
Giám đốc Sở KH&CN Lê Công Nhường cho hay: “Sở KH&CN có văn bản gửi UBND tỉnh kiến nghị xem xét, chỉ đạo để sửa đổi, bổ sung và tỉnh đã có ý kiến chấp thuận. Sở đang rà soát, tổng hợp, bổ sung những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, đề xuất hỗ trợ phù hợp với thực tiễn phát triển KH&CN hiện nay để tham mưu UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh phê duyệt. Trong đó, chú trọng các chính sách về hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng đổi mới công nghệ; phát triển thị trường KH&CN. Dự kiến, trong năm 2023, sau khi được HĐND tỉnh thông qua và UBND tỉnh chỉ đạo triển khai, Sở sẽ tổ chức tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh để người dân và DN nắm bắt, thực hiện”.
TRỌNG LỢI