Sáng kiến nhỏ, lợi ích lớn
Chỉ là một sáng kiến nhỏ, nhưng nhờ có thể ứng dụng rộng rãi, giá rẻ, dễ sử dụng, sửa chữa, bảo trì…, thiết bị gây tê hỗ trợ đánh bắt cá ngừ đại dương do ông Diệp Bảo Hùng (62 tuổi, ở phường Tam Quan, Chi hội trưởng Chi hội Điện - Cơ TX Hoài Nhơn) phát triển đã có mặt trên rất nhiều tàu câu cá ngừ đại dương của tỉnh Bình Định.
Tôi thấy rất hăng hái…
Cách đây mấy năm, từ một dự án hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật Bản dành cho tỉnh Bình Định, 25 tàu câu cá ngừ đại dương đã được lắp đặt 25 bộ thiết bị gồm máy thu câu và máy tạo xung Tuna Shocker. Chỉ sau một thời gian ngắn, những bộ thiết bị này đã giúp nâng cao hiệu quả đánh bắt hơn nhiều so với cách làm cũ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập tốt hơn cho ngư dân.
Tuy nhiên, do giá khá đắt, 50 triệu đồng/bộ, nên ngoài 25 tàu câu nhận được bộ thiết bị hỗ trợ trong khuôn khổ dự án, chưa có thêm chủ tàu nào đầu tư bộ thiết bị này. Nhận thấy nhu cầu của ngư dân lớn, vốn có quan hệ gắn bó trên nhiều phương diện, lãnh đạo Hiệp hội Thủy sản Bình Định gợi ý Hiệp hội Điện - Cơ Bình Định tìm cách đáp ứng nhu cầu của ngư dân.
Ông Diệp Bảo Hùng đang làm việc tại cơ sở sản xuất của mình. Ảnh: NVCC
Ông Hùng kể: Tôi có thâm niên 38 năm trong nghề điện cơ - điện lạnh, lại là thành viên của Hiệp hội, sinh sống ở quê hương Hoài Nhơn nên vừa nghe thế là bắt tay luôn vào nghiên cứu chế tạo. Cái khó đầu tiên là mình phải tôn trọng bản quyền sáng chế của bộ thiết bị do phía Nhật Bản cung cấp. Nhưng nguyên lý cấu tạo, vận hành và cách thức tác động thì mình có thể học hỏi. Thậm chí tôi còn đặt ra mục tiêu thiết bị do mình làm phải phù hợp với bà con, với điều kiện tàu thuyền của mình; nó phải đa năng, đa nhiệm, dễ bảo trì, sửa chữa… Ban đầu thấy cũng nhiều mắc míu quá nhưng cứ nghĩ đến cả đội tàu câu hàng nghìn chiếc chưa có máy gây tê là tôi thấy rất hăng hái. Cuối cùng thành công cũng đến, đặc biệt là toàn bộ các mục tiêu tôi đặt ra đều thực hiện được hết; bộ thiết bị gây tê đánh bắt cá ngừ đại dương của tôi nhỏ gọn, đa năng và đặc biệt rẻ hơn rất nhiều, chỉ bằng 1/5 giá bộ thiết bị mà dự án tài trợ.
Bộ thiết bị gây tê đánh bắt cá ngừ đại dương do ông Diệp Bảo Hùng phát triển gồm bộ biến áp dòng điện xoay chiều vào 220V - ra 50V, bộ tạo xung, hộp cấp điện, công tắc điều khiển, hệ thống đèn và chuông báo, hệ thống dây dẫn và thiết bị tiếp cận cá. Nguyên lý hoạt động của bộ thiết bị rất đơn giản, khi kéo con cá mắc câu về gần thuyền khoảng 25 - 35 m, vòng xung điện làm bằng inox được đưa xuống theo dây câu đến vừa chạm vào mỏm đầu cá, ngư dân sẽ bấm công tắc điện, giữ trong khoảng 3 - 5 giây, xung điện vừa đủ khiến con cá ngất đi là ngắt điện. Có thể nói bộ thiết bị này đã “ru con cá ngừ vào giấc ngủ sâu” và việc kéo con cá lên rất nhẹ nhàng.
Nhỏ gọn, đa năng, dễ dùng, lại rẻ
Từ năm 2017 đến nay, ông Hùng đã cung cấp khoảng 400 bộ thiết bị cho các tàu câu cá ngừ đại dương, giá mỗi bộ thiết bị là 10 triệu đồng. Điểm vượt trội là ngoài chức năng chính là gây tê cá ngừ, bộ thiết bị này còn có thêm 2 chức năng khác là có thể làm máy hàn điện 200A dùng sửa chữa các dụng cụ, máy móc trên tàu cá bị hư hỏng, và khi cần thiết có thể dùng như một máy biến áp 28V để sạc ắc quy khi bình ắc quy tàu cá bị cạn. Và điều thú vị là nhiều ngư dân đã sử dụng bộ thiết bị gây tê do ông Diệp Bảo Hùng phát triển đều dành cho ông những lời cảm ơn chân thành như thể họ cũng được tặng chứ không phải là bỏ tiền túi ra mua.
Ông Nguyễn Văn Nầy, chủ tàu cá BĐ 98686-TS, mua và sử dụng bộ thiết bị gây tê cá ngừ đã hơn 5 năm, nhận xét: Tôi dùng bộ thiết bị này đủ lâu để có thể khen rằng đây là dụng cụ hỗ trợ đánh bắt rất tốt. Từ ngày mua dùng đến giờ tôi chưa phải sửa chữa gì, mà nó còn rất gọn, dễ dùng, vận hành đơn giản. Trước đây chúng tôi phải mất từ 20 - 30 phút mới đưa được 1 cá lên tàu, nay chỉ mất tối đa chừng 10 phút. Hơn nữa, nó còn có thể làm máy biến áp, máy hàn, giúp tiết kiệm không gian trên tàu, khi hữu sự là có dùng ngay. Có thể nói nhờ anh Hùng hiểu sâu sắc công việc của nghề câu cá ngừ đại dương nên anh ấy chế tạo ra chiếc máy y như ước muốn của chúng tôi.
Ngư dân Nguyễn Văn Nầy với bộ điện áp xoay chiều, một phần của bộ thiết bị gây tê hỗ trợ đánh bắt cá ngừ đại dương do ông Diệp Bảo Hùng phát triển. Ảnh: N.V.N
Toàn tỉnh Bình Định hiện có trên 3.240 tàu cá khai thác xa bờ, trong đó có 1.450 chiếc được phép câu cá ngừ đại dương. Tổng sản lượng cá ngừ đại dương khai thác được mỗi năm hơn 12.000 tấn/năm, chiếm hơn 50% sản lượng cá ngừ đại dương của cả nước. Kể ra như vậy để thấy bộ thiết bị mà ông Diệp Bảo Hùng phát triển có ý nghĩa và sức tác động lớn như thế nào.
ÁI TRINH