Nghiên cứu phát triển kinh tế số trên 3 khu vực kinh tế
(BĐ) - Ngày 1.12, Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH tỉnh tổ chức Hội thảo góp ý đề tài nghiên cứu khoa học về phát triển kinh tế số đối với ba khu vực kinh tế: Nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ tỉnh Bình Định. Thực trạng, định hướng và giải pháp. ThS Nguyễn Trần Thi (Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH tỉnh) làm chủ nhiệm đề tài.
ThS Nguyễn Trần Thi (người đứng) báo cáo đề tài nghiên cứu. Ảnh: TRỌNG LỢI
Đề tài nghiên cứu đã tập trung làm rõ thực trạng phát triển kinh tế số tỉnh Bình Định dựa vào các yếu tố cốt lõi: Chuyển đổi nhận thức về kinh tế số; kiến tạo thể chế; hạ tầng và nền tảng số; thông tin và dữ liệu số; hoạt động kinh tế số; an ninh, an ninh mạng và độ tin cậy số; đào tạo và nguồn nhân lực cho kinh tế số. Từ đó, đề ra giải pháp phát triển kinh tế số đối với ba khu vực kinh tế: Nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025, cơ bản hoàn thành xây dựng nền tảng, các mục tiêu của chính quyền điện tử và chuyển đổi số ở một số lĩnh vực quan trọng trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; ưu tiên đẩy nhanh chuyển đổi số ở một số lĩnh vực: Giáo dục, y tế, nông nghiệp, du lịch, giao thông. Thực hiện chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Đến năm 2030, hạ tầng thông tin và truyền thông tỉnh Bình Định cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phát triển ổn định và thịnh vượng, thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính quyền, đáp ứng phương thức sống mới, phương thức làm việc mới trong một môi trường số an toàn, rộng khắp. Định hướng trở thành một trong những trung tâm phát triển về sản xuất, ứng dụng công nghệ cao của vùng; một trung tâm kinh tế số và công nghệ cao của cả nước…
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự nhận định đây là đề tài mang tính cấp thiết, phục vụ đắc lực cho mục tiêu phát triển KT-XH tỉnh Bình Định trong thời gian tới. Đồng thời, có những ý kiến đóng góp, xây dựng đề tài, như: Cần làm rõ lộ trình thời gian để phát triển kinh tế số cho từng lĩnh vực; tập trung làm rõ, ưu tiên những chương trình phần mềm hữu ích, tiện lợi mà các DN cần sử dụng để phục vụ phát triển kinh tế số; nghiên cứu, khảo sát thêm thông tin về chương trình, khả năng đào tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế số tại các cơ sở đào tạo trong tỉnh để có thêm cứ liệu bổ sung vào giải pháp đề tài…
TRỌNG LỢI