Bình Định chi gần 94 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo cụm tháp Dương Long
Tỉnh Bình Định quyết định sử dụng ngân sách gần 94 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo cụm tháp Dương Long, tháp Chăm được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt.
Ngày 19.12, ông Tạ Xuân Chánh - giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định - cho biết đang triển khai các bước chuẩn bị cho việc đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo cụm tháp Dương Long, tháp Chăm duy nhất ở Bình Định được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt.
Tháp Bánh Ít - Ảnh: N.NGỌC
Trước đó, HĐND tỉnh Bình Định đã ra nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư này.
Mục tiêu đầu tư là nhằm đảm bảo độ ổn định lâu dài cho tháp, tránh nguy cơ mất mát và đổ vỡ nghiêm trọng; bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân và gắn với phát triển du lịch của một di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt.
Theo nghị quyết, quy mô dự án là đầu tư tu bổ, tôn tạo, phục hồi (tháp nam, tháp giữa) từ cao độ 12m trở xuống, bao gồm các mặt hướng đông, tây, nam, bắc. Tu bổ, phục hồi, gia cố chân tháp và gia cường nền móng chống lún, làm sạch mặt tường tháp và diệt cây cỏ nấm mốc, xử lý vết nứt và neo giữ các mảng tường sạt lở, tu bổ tái định vị các chi tiết kiến trúc, tu bổ phục hồi nền tháp và các mặt bằng mặt đứng kiến trúc, bảo vệ các thành phần chưa có đủ căn cứ phục hồi và xử lý chống phong hóa bề mặt cho các tháp.
Quá trình tu bổ, phục hồi phải ưu tiên sử dụng vật liệu, kỹ thuật xây dựng truyền thống nhằm tránh những xung đột về chất liệu và hạn chế tối đa những hậu quả của việc không tương thích về vật liệu, đồng thời góp phần bảo tồn được giá trị văn hóa phi vật thể của di tích.
Ưu tiên hàng đầu việc bảo tồn tối đa các yếu tố gốc và vật liệu chính dùng cho công tác tu bổ loại gạch Chăm phục chế và đá cùng loại. Các giải pháp kỹ thuật dựa trên kết quả nghiên cứu về di tích như khảo sát, phân tích, thí nghiệm vật liệu, kết cấu, nền móng và kỹ thuật xây dựng. Dự án cũng sẽ thực hiện khảo cổ, khai quật trong phạm vi 9.150m2.
Tổng kinh phí đầu tư cho dự án này là gần 94 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh Bình Định. Trong đó, vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 bố trí 70 tỉ đồng, ngân sách tỉnh cân đối 24 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2025.
Ông Tạ Xuân Chánh cho hay chủ đầu tư sẽ thực hiện dự án theo đúng các quy định pháp luật, trong đó việc lập hồ sơ thiết kế thi công dự án có sự thỏa thuận của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đồng thời tỉnh sẽ mời các chuyên gia đầu ngành về kiến trúc, văn hóa Chăm để tư vấn, hỗ trợ trong quá trình lập hồ sơ cho dự án này.
(Theo DUY THANH/TTO)