Giăng lưới lửa bảo vệ bầu trời Thủ đô
Do những thắng lợi trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao của ta ở hai miền Nam - Bắc, ngày 1.11.1968, đế quốc Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc. Đầu năm 1969, Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) Hà Nội quyết định từng bước chuyển dần từ Khu C - Lạng Sơn về đồng bằng và Hà Nội. Riêng Khoa Hóa của chúng tôi chuyển về huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc.
Nhưng do bị thua đậm trên chiến trường miền Nam, ngày 6.4.1972, đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc dữ dội trở lại. Trong lúc Khoa Hóa đang sơ tán tại Hiệp Hòa, tôi được Khoa và Trường phân công ở lại Hà Nội tham gia Trung đội tự vệ trực chiến pháo phòng không của trường. Tháng 8.1972, tôi tham gia lớp tập huấn 1 tuần về cách tháo lắp và sử dụng súng máy 14,5 mm. Ban đầu Trung đội có biên chế 40 người đều là cán bộ, giáo viên của nhiều khoa trong trường, tôi là đảng viên, được phân công làm chính trị viên T rung đội.
Bấy giờ Trường ĐHBK Hà Nội là một trong những trọng điểm đánh phá của địch. Nhà trường chủ trương sơ tán triệt để, chỉ những người tham gia Đại đội tự vệ của trường mới được cấp thẻ ra vào trường. Trận địa pháo phòng không của trường gồm 2 khẩu súng máy 14,5 mm đặt cách nhau khoảng 5 m trên nóc nhà C9 năm tầng, cao nhất của Trường. Chúng tôi thay nhau trực chiến suốt ngày đêm tại trận địa.
Những người lính từng là sinh viên, giảng viên của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh tư liệu
Hồi ấy, ở Hà Nội, mỗi ngày có đến hàng chục lần còi báo động hú vang thành phố thông báo máy bay địch đến đánh phá Hà Nội. Máy bay Mỹ đánh phá nhiều tốp nối nhau liên tục nên nhiều lúc vừa ra khỏi hầm trú ẩn lại phải quay trở lại vì còi báo động lại tiếp tục hú lên… Thời gian qua đã lâu rồi, nhưng mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn như nghe bên tai tiếng cảnh báo hối hả “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội năm mươi cây số...”
Trường tôi đã nhiều lần bị máy bay Mỹ đánh phá. Tiếng bom nổ rung chuyển cả Trường, cửa kính các nhà A, nhà C… bị vỡ bắn tung, vương vãi khắp nơi. Nhưng cán bộ, sinh viên đều đã sơ tán cả nên không bị thiệt hại về người. Có cả quả bom rơi nổ trong khuôn viên trường đào thành hố lớn. Nhưng có quả rơi xuống ao không nổ, không ai biết, sau này một nam sinh viên tham gia nạo vét ao đã đào trúng, bom nổ và bạn sinh viên ấy phải chịu cái chết đau đớn oan ức.
Tình hình chiến sự năm 1972 ngày càng căng. Trước tình hình này, tôi đề xuất với lãnh đạo trường khẩn trương củng cố lại Trung đội pháo phòng không trực chiến theo hướng tinh gọn từ 40 người xuống còn 20 người và ai có hoàn cảnh khó khăn, xin không tham gia thì Trường để họ rút, không đặt vấn đề kỷ luật họ. Đề xuất của tôi được lãnh đạo Trường chấp thuận, tôi về hội ý với Ban chỉ huy Trung đội, phổ biến cho mọi người biết. Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn thật sự đã xin rút và mừng vui vì không bị kỷ luật; trong đó có cả trung đội trưởng, trung đội phó. Chính vì thế mà tôi được cấp trên “thăng hàm” vừa làm trung đội trưởng, vừa kiêm luôn chính trị viên Trung đội. Ở cương vị mới, tôi đề xuất cử anh Tiến, cán bộ Văn phòng Khoa Hóa là người khỏe mạnh, có tiếng nhiều tài năng và gan dạ làm trung đội phó Trung đội; và được cấp trên nhất trí. Với một đội quân vừa tinh gọn vừa gan dạ, 20 anh em Trung đội tự vệ trực chiến pháo phòng không chúng tôi đoàn kết, cố gắng cùng nhau đảm đương nhiệm vụ với tinh thần tự giác, tích cực.
Khi có máy bay địch quần đảo trên bầu trời Hà Nội, Trung đội chúng tôi cùng tham gia nã đạn giòn giã, góp phần giăng lưới lửa lên trời cùng các đơn vị khác trong thành phố đuổi máy bay địch, khiến chúng kinh hãi và cút nhanh khỏi vùng trời Thủ đô.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, Trường ĐHBK Hà Nội có nhiều đóng góp xuất sắc, đáng kể như Khoa Vô tuyến điện của trường đã nghiên cứu thực hiện thành công nhiều đề tài phục vụ chiến đấu, điển hình là đề tài rà phá bom từ trường do GS Vũ Đình Cự chủ trì; hay như đề tài phục hồi hệ thống thông tin của Đài Tiếng nói Việt Nam… Đồng thời, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”, gần 200 cán bộ, giáo viên và 2.000 sinh viên của Trường đã lên đường nhập ngũ, dâng hiến tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc đến ngày toàn thắng...
Với những thành tích xuất sắc đã cống hiến cho đất nước và nhân dân, năm 2006, Trường ĐHBK Hà Nội được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân. Một trường học trở thành Anh hùng LLVT nhân dân thật sự không nhiều và đó là niềm hãnh diện của thế hệ chúng tôi.
NGƯT - TS NGUYỄN MINH CHÂU
(Nguyên cán bộ giảng dạy Trường ĐHBK Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy Trường ĐH Quy Nhơn)