akaCam - sản phẩm trí tuệ nhân tạo đặc biệt
akaCam - do đội ngũ kỹ sư của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn (thuộc FPT Software) thực hiện - là 1 trong 18 dự án xuất sắc toàn quốc được vinh danh tại Giải thưởng bình chọn sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2022 do Bộ KH&CN tổ chức.
Theo anh Nguyễn Thành Long, Giám đốc sản phẩm akaCam (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn - QAI), ngày nay, camera có mặt ở khắp mọi nơi, nhưng ngay cả camera AI mới dừng lại ở mức độ nhận diện người và vật. Đó là lý do mà đơn vị nghiên cứu, xây dựng và cho ra đời sản phẩm akaCam, nhằm nâng cao tính ứng dụng cho hệ thống camera. akaCam là sản phẩm có thể phân tích hành vi con người thông qua thị giác máy tính, giúp nhận biết hành vi, theo dõi và ghi lại phạm vi hoạt động của đối tượng.
Khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai mà 13 kỹ sư QAI gặp phải là làm thế nào để liên kết nhiều camera nhưng vẫn đảm bảo khả năng vận hành hệ thống, đặc biệt là nhận diện đối tượng trong môi trường bị che khuất. Để giải quyết bài toán này, các kỹ sư đã mày mò nghiên cứu công nghệ REID song không đem lại kết quả. Không nản chí, các kỹ sư tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện giải pháp REID từ những kết quả có sẵn (2D mapping, chuyển động vận tốc, chuyển động quỹ đạo…), kết hợp phương pháp so sánh Feature truyền thống để hoàn chỉnh, tạo ra giải pháp mới Q-REID, giúp liên kết nhiều camera trong khu vực rộng lớn, nhận diện đối tượng qua hình dáng, đảm bảo tính chính xác. Đồng thời, akaCam còn ứng dụng công nghệ mới (XAI) để nâng cao độ chính xác cho model, mà không cần nhiều dữ liệu thông qua phương pháp SeCAM. Kết quả, akaCam hoạt động với độ chính xác cao, đảm bảo khả năng vận hành tối ưu cho hệ thống.
akaCam phân tích hành vi, theo dõi và ghi lại hoạt động của con người trong văn phòng. Ảnh: A.N
Anh Vũ Hồng Chiên, Giám đốc QAI, cho biết thêm: akaCam là sản phẩm công nghệ hiện đại, hữu ích và hoạt động theo cơ chế sử dụng hình ảnh, video hoặc luồng stream trực tiếp từ camera, ứng dụng các mô hình AI, thuật toán AI thông minh nhằm phát hiện, theo dõi và phân tích hành vi của đối tượng, nhằm đưa ra các cảnh báo, nhắc nhở kịp thời.
Cuối năm 2021 đến nay, akaCam được ứng dụng ở một số nhà máy, văn phòng… của các DN trong nước; trong đó có nhà máy Denso Việt Nam, nhà ăn trong tòa nhà AI Valley, đặt ở phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn), thuộc FSOFT Quy Nhơn. Với nhà máy Denso Việt Nam, akaCam đảm nhận vai trò nhận diện, định danh công nhân bằng khuôn mặt, ghi lại bữa ăn và các món ăn được lựa chọn, ghi nhận phản hồi độ hài lòng của công nhân sau khi dùng bữa. Toàn bộ các dữ liệu này được cập nhật đến bộ phận nhân sự để sử dụng trong quản lý và phân tích tạo ra thực đơn phù hợp hơn với công nhân.
Hiện nay, QAI đang hợp tác với một đơn vị chuyên cho thuê văn phòng hàng đầu Nhật Bản để xây dựng văn phòng thông minh thông qua ứng dụng akaCam. Dự kiến, năm 2024, văn phòng đặc biệt này sẽ hoàn thành.
Về lâu dài, khi tiếp tục nâng cấp, hoàn chỉnh nhiều thêm, akaCam sẽ có khả năng ứng dụng rộng rãi trong ngân hàng, văn phòng, chuỗi cửa hàng, trường học, giao thông… để giải quyết nhiều vấn đề. Đơn cử là phân tích hành vi bất thường của nhân viên trong dây chuyền sản xuất, nhằm phục vụ tốt cho việc thống kê, phân tích, tạo báo cáo cho các đơn vị quản lý. Hoặc, đưa vào sử dụng trong trường học để thực hiện vai trò tự động điểm danh học sinh, tạo cơ sở dữ liệu để thông báo đến phụ huynh tình hình con em đến, rời trường theo từng khung thời gian (kèm theo hình ảnh). Từ đó, phát hiện và cảnh báo các hành vi bất thường để sớm có biện pháp ngăn chặn (tụ tập đánh nhau, hút thuốc, người lạ mặt vào trường, lớp học để trộm cắp...). Đối với lĩnh vực giao thông, akaCam hỗ trợ theo dõi, ghi lại các phương tiện di chuyển trên đường, nhận diện qua biển số, kiểu dáng xe. Từ đó, dự báo về tốc độ phát triển số lượng xe lưu thông trên từng cung đường, làm cơ sở để ngành giao thông tham khảo, có phương án đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông phù hợp.
“Trong giai đoạn Covid-19 bùng phát, các nhà máy/khu công nghiệp ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã ứng dụng akaCam ở khu vực làm việc nhằm kiểm soát số người ra/vào khu vực và nhanh chóng truy vết các ca liên quan đến F0 khi cần thiết, góp phần không nhỏ trong công tác phòng chống dịch”, anh Chiên chia sẻ thêm.
TRỌNG LỢI