Ổn định thị trường bất động sản năm 2023
Gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tiếp ban hành 4 công điện chỉ đạo xử lý các vấn đề "nóng" của nền kinh tế là tín dụng, trái phiếu, lao động và bất động sản. Đây là những chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời trong bối cảnh những khó khăn phát sinh cần khẩn trương khơi thông, thúc đẩy tăng trưởng.
Cụ thể trong lĩnh vực bất động sản, người đứng đầu Chính phủ đã kêu gọi sự đồng tâm, hợp lực để cùng vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy thị trường đúng quy luật, hiệu quả, an toàn, lành mạnh và bền vững.
Với quy mô khoảng 100 triệu dân, nhu cầu bất động sản tại Việt Nam vẫn rất lớn trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, tại sao thị trường lại đang có vấn đề về "hấp thụ" và hoạt động của các doanh nghiệp lĩnh vực này lại gặp khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro?
Ảnh minh họa.
Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, chúng ta có thể nhận định do các cơ chế chính sách, do thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt, năm 2022 là năm mà bất động sản có nhiều kỷ lục về giá, trong khi bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, ảnh hưởng đến kinh tế trong nước khiến khả năng chi trả cũng như nguồn tín dụng của người mua gặp khó khăn. Ông Thanh cho rằng, thị trường bất động sản năm 2023 cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ và đặc biệt phải minh bạch hóa để tạo ra sự ổn định về nguồn tín dụng.
"Có thể phân ra hai nhóm. Thứ nhất, chúng ta cần có chính sách để sàng lọc và Tổ công tác của Thủ tướng xác nhận những sản phẩm bất động sản đã hoàn thành thì chúng ta cần có một chính sách tín dụng cho những người có nhu cầu ở thật có thể tiếp cận được tín dụng để có thể mua được. Thứ hai, những dự án tốt, đang chuẩn bị về đích nhưng nguồn tín dụng bị hạn chế thì phải có chính sách cung cấp tín dụng cho những dự án này để có thể về đích. Có thể nói, nhu cầu rất lớn, chính sách tín dụng và bán hàng cần được giữ ổn định để cân đối được cung cầu" - ông Thanh nói.
Theo Thúy Hà (VOV1)