Ngành Ngân hàng góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển
Năm 2022, ngành Ngân hàng đã đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, đồng thời cắt giảm chi phí, chia sẻ lợi nhuận, đồng hành cùng DN khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển.
Trong thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Bình Định (Agribank Bình Định) là đơn vị đi tiên phong.
Khách hàng giao dịch tín dụng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - chi nhánh Bình Định. Ảnh: TIẾN SỸ
Theo đó, ngay từ đầu năm 2022, Agribank Bình Định đã đẩy mạnh thực hiện cùng lúc 2 chương trình tín dụng ưu đãi là Agribank đồng hành và phát triển cùng DN vừa và nhỏ và Agribank đồng hành cùng DN xuất nhập khẩu, với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 1,8 - 2%/năm. Cùng với đó là kéo dài thời hạn trả nợ vay cho DN và tích cực thực hiện gói hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định số 31/2022 của Chính phủ. Mới đây, ngân hàng này còn tiếp tục giảm 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng tiền đồng Việt Nam hỗ trợ khách hàng DN, HTX, hộ kinh doanh đang gặp vướng mắc, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Agribank Bình Định, cho hay: “Mặc dù thị trường đang có áp lực nhất định đến mặt bằng lãi suất, nhưng ngân hàng vẫn duy trì chính sách lãi suất ổn định, đảm bảo khả năng tiếp cận tín dụng cho khách hàng. Chúng tôi kỳ vọng việc tiếp thêm nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi từ các chương trình sẽ giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn để giải quyết khó khăn về tài chính, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD).
Không đứng ngoài cuộc, các chi nhánh thuộc nhiều ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB)... cũng nới rộng hạn mức tín dụng, đưa thêm tín dụng ra thị trường. Một số ngân hàng cũng nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, giảm giá bán đồng USD, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hỗ trợ khách hàng vay vốn với lãi suất hợp lý để đầu tư SXKD. Bên cạnh đó, chủ động kết nối, chuyển các thông tin ưu đãi, hỗ trợ, chính sách tín dụng phù hợp đến từng nhóm để khách hàng biết, tiếp cận và vay vốn.
Ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc NHNN Việt Nam - chi nhánh Bình Định, cho hay: Đến cuối tháng 12.2022, tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh ước đạt 97.500 tỷ đồng, tăng 7,4% với cùng kỳ năm trước. Các ngân hàng cũng đã cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ cho 5.238 khách hàng với tổng giá trị 2.928 tỷ đồng; miễn, giảm lãi cho 211 khách hàng với số tiền 270 triệu đồng; hỗ trợ 2% lãi suất với số tiền gần 30 tỷ đồng. Chương trình kết nối Ngân hàng - DN do Chi nhánh NHNN tỉnh triển khai, có 25 ngân hàng và 66 khách hàng là DN và cá nhân tham gia, tổng số tiền mà các ngân hàng đã giải ngân cho khách hàng vay với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường là hơn 4.430 tỷ đồng. Việc đồng hành và chia sẻ cùng DN không chỉ giúp ngân hàng củng cố niềm tin, quảng bá thương hiệu mà còn khẳng định trách nhiệm vì sự phát triển, hợp tác bền vững với khách hàng. Cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh đánh giá cao sự chia sẻ, đồng hành của ngành Ngân hàng trong thời gian qua. Tuy vậy, khách quan mà nhận định thì để duy trì và phát triển SXKD, DN vẫn cần hỗ trợ nhiều hơn từ phía ngân hàng. Đây cũng là vấn đề mà UBND tỉnh đặc biệt quan tâm.
Dự Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành Ngân hàng năm 2022 do NHNN Việt Nam tổ chức vào ngày 28.12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết: UBND tỉnh đánh giá cao sự đóng góp của ngành Ngân hàng đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh, đồng thời yêu cầu tiếp tục đảm bảo an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống, gắn với việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân, DN và các chủ thể có liên quan; đảm bảo thanh khoản thông suốt trong bất cứ mọi trường hợp. Trước mắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vay vốn của DN cũng như việc giải quyết vốn vay của các ngân hàng... để thúc đẩy hoạt động tín dụng, chia sẻ, đồng hành với cộng đồng DN và người dân phát triển SXKD. Bên cạnh đó, chủ động triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng phục vụ, nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí... tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận, vay vốn đầu tư, phát triển SXKD.
PHẠM TIẾN SỸ