Sở KH&ĐT phải tiên phong đổi mới, cải tiến phương pháp làm việc
(BĐ) - Đây là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Sở KH&ĐT diễn ra chiều 6.1.
Theo Sở KH&ĐT, năm 2022 đơn vị đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Sở cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022; đồng thời tích cực đôn đốc các đơn vị, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022. Ước đến ngày 31.1.2023, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là 8.505 tỷ đồng, đạt 90,97% kế hoạch năm (thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về tỷ lệ và giá trị).
Cùng với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký DN cho 1.232 DN thành lập mới, Sở đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh đa dạng phương thức xúc tiến thu hút đầu tư tại các thị trường có nền kinh tế phát triển. Năm 2022, toàn tỉnh đã thu hút 79 dự án trong nước, 1 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng; có 17 dự án tăng vốn đầu tư thêm hơn 19.4750 tỷ đồng, đạt 135% so với kế hoạch.
Năm 2023, Sở KH&ĐT xác định 16 nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách năm 2023.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, những đóng góp quan trọng của Sở KH&ĐT đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: TIẾN SỸ
Về nhiệm vụ năm 2023, đồng chí Phạm Anh Tuấn yêu cầu Sở KH&ĐT phải tiên phong trong việc đổi mới, cải tiến phương pháp làm việc và tổ chức triển khai nhiệm vụ, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH. Trước nhất, Sở KH&ĐT cần phối hợp chặt chẽ với sở, ban, ngành, các chủ đầu tư trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, tổng hợp các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách đang triển khai và chưa hoàn thành đưa vào sử dụng và danh mục các dự án có sử dụng đất chuẩn bị đấu thầu, đấu giá…, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo. Cùng với đó là phối hợp, rà soát, nghiên cứu sửa đổi cơ chế một cửa trong cấp phép đầu tư; tăng cường công tác quản lý các vấn đề kinh tế tập thể, kinh tế HTX, kinh tế tư nhân, cơ cấu lại ngành nghề, lĩnh vực.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng yêu cầu đổi mới công tác đăng ký DN, giúp DN phát huy lợi thế cạnh tranh, hạn chế tình trạng DN không đảm bảo tiềm lực tài chính; xây dựng kế hoạch quản lý, triển khai việc cấp phép đầu tư trên địa bàn tỉnh. Sở KH&ĐT cần thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của DN, để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho DN mở rộng quy mô; đồng thời xây dựng kịch bản, kế hoạch nhiệm vụ thu hút trên các lĩnh vực kinh tế chủ yếu cho 3 năm 2023 - 2025. Cùng với đó là chủ động đa dạng hóa hình thức xúc tiến đầu tư, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, DN mới đến tỉnh để đầu tư phát triển. Sở KH&ĐT chủ động phối hợp với Sở TT&TT thực hiện công tác chuyển đổi số tại đơn vị; xây dựng các nền tảng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện các mảng nhiệm vụ công việc chủ yếu; xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu để quản lý DN trên địa bàn tỉnh theo hướng tích hợp, dùng chung cho tất cả DN trong cùng lĩnh vực.
TIẾN SỸ