Tây Sơn rộn sắc cúc, mai, đào
Những ngày này, người dân các làng hoa trên địa bàn huyện Tây Sơn tất bật chăm sóc kịp đưa hoa ra thị trường phục vụ dịp tết Nguyên đán 2023.
Từ thị trấn Phú Phong, xuôi theo các xã cánh Bắc của sông Côn, là sự nhộn nhịp, đa sắc màu của những làng hoa cúc, mai và đào.
Chúng tôi đến với làng hoa cúc ở xã Bình Thành vào cao điểm tỉa lá, lặt nụ phụ. Bình Thành có khoảng 30 hộ dân chuyên trồng hoa cúc với số lượng hiện có hơn 25.000 chậu lớn nhỏ các loại, tăng hơn 8.000 chậu so với năm trước. Vừa cắt tỉa những cành hoa cúc, ông Nguyễn Nhơn (ở thôn Kiên Long, xã Bình Thành) chia sẻ: Với kỹ thuật vốn có của nhiều năm trồng cúc thì việc cho cây hoa trổ vào dịp Tết cũng không khó. Nhưng năm nay thời tiết bất thường nên một phần vườn cúc nhà tôi bị hư bộ lá. Còn hơn chục ngày nữa là Tết, gia đình tôi phải chăm sóc thật kỹ từ khâu tưới nước, bón phân thuốc cho đến theo dõi các loại bệnh để cho cúc ra hoa đẹp nhất.
Các hộ trồng hoa cúc theo dõi, chăm sóc cho số hoa đã được khách mua sỉ tại vườn. Ảnh: M.MIÊN
Rời làng cúc Bình Thành, xuôi theo QL 19B là đến vùng gò đồi của làng mai thôn Vân Tường, xã Bình Hòa. Nơi đây có gần 100 hộ trồng mai với khoảng 70.000 chậu các loại; trong đó, chừng 40 hộ chuyên trồng mai kinh doanh với diện tích lớn. Vườn mai nào cũng nhộn nhịp người chăm sóc, không chỉ bởi thời gian gấp rút hoàn thiện những chậu mai cảnh cung cấp ra thị trường, mà còn là thời điểm tốt nhất để người trồng tiếp tục chăm sóc những gốc mai mới gối vụ cho mùa mai năm sau. Theo những người trồng mai nơi đây, năm nay, đầu mùa đông nắng ấm nhiều hơn, cây mai phát triển thuận, nhiều mai vàng nở sớm.
Ông Cao Sơn Quân (thôn Vân Tường) có khoảng 1.000 gốc mai lớn nhỏ các loại, cho hay: Để trồng cây mai bán được ra thị trường phải mất từ 5 năm trở lên, bắt đầu từ ươm cây đến khi tạo dáng, cắt tỉa, uốn gốc, chăm sóc quanh năm... công đoạn nào cũng đều quan trọng nhưng để canh hoa ra đúng dịp tết thì không đơn giản. Năm nay, mai nở sớm nên các hộ trồng mai phải canh lặt lá hơi muộn so với mọi năm… Việc mai nở sớm không ảnh hưởng lớn đến những vườn trồng mai số lượng lớn như vườn chúng tôi, bởi không kịp bán năm nay thì coi như “của để dành”, mai càng lâu năm càng được giá.
Ông Cao Sơn Quân chăm sóc những khâu cuối cùng để đưa mai ra thị trường. Ảnh: M.MIÊN
Tại huyện Tây Sơn, việc phát triển đa dạng các mô hình trồng hoa đã tạo nét đẹp cho địa phương mỗi khi Tết đến xuân về, đồng thời tạo công ăn việc làm, nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân. Trong đó, có loại hoa đào đặc trưng của xứ lạnh đã được trồng thành công ở vùng đất trung du Tây Vinh. Dù thời tiết bất thường như hiện nay cũng không làm khó được những tay nghề chăm đào có thâm niên trên 30 năm như ông Phạm Văn Tạo (ở thôn Bỉnh Đức), bởi 400 gốc đào trong vườn nhà ông đều chi chít những nụ nhỏ xinh... Đang tất bật chăm sóc những cây hoa đào, ông Tạo vui vẻ nói: Năm nay, vườn tăng số lượng đào trồng chậu cũng như đào lấy cành. Thời tiết bất thường hơn mọi năm, trong khi số lượng cây nhiều nên tôi chú trọng đầu tư, áp dụng kỹ thuật, trồng và chăm bón chặt hơn. Đến giờ cây hoa đào phát triển tốt, dự kiến hoa đúng độ.
Ông Phạm Văn Tạo bên một gốc đào hoa nở sớm để giới thiệu cho khách đến tìm hiểu mua bích đào. Ảnh: M.MIÊN
Là người đầu tiên vun gốc cho cây bích đào đất Bắc bén rễ trên đất Tây Sơn, ông Tạo đã chia sẻ kinh nghiệm, cây giống, cách trồng cho nhiều hộ dân trong thôn. Đến nay, có trên 10 hộ dân ở thôn Bỉnh Đức chuyên trồng hoa đào, với khoảng 1.000 gốc.
Ông Trương Văn Bàng, Chủ tịch UBND xã Tây Vinh, cho biết: Cây hoa đào mang lại thu nhập khá ổn định cho người dân nơi đây. Thời gian tới, địa phương sẽ giao cho HTXNN dịch vụ Tây Vinh thành lập tổ hợp tác trồng đào, đăng ký sản phẩm OCOP. Đồng thời, chúng tôi cũng đã tính toán quy hoạch đất dự phòng khoảng 1 ha ở hai vùng Đông Nam và Tây Bắc xóm 12 (thôn Bỉnh Đức) tạo điều kiện cho các hộ dân có nhu cầu đăng ký mở rộng diện tích trồng đào.
MỘC MIÊN