Những người truyền cảm hứng
Vượt qua khó khăn trong cuộc sống, nhiệt tình góp sức cho phong trào hội, nhiều phụ nữ trở thành gương sáng, tiếp thêm động lực phấn đấu cho chị em. Báo Bình Định giới thiệu 3 hội viên vừa được Trung ương Hội LHPN Việt Nam khen tặng danh hiệu “Phụ nữ tiêu biểu” vì sự nỗ lực vượt khó và những câu chuyện truyền cảm hứng mà họ mang lại.
Gương sáng khởi nghiệp
Chị Đinh Thị Lệ Huyền (SN 1968, ở phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn) được nhiều người biết đến bởi sự chịu thương chịu khó và đam mê với thực phẩm sạch.
Chị Huyền và sản phẩm rau sạch do HTX Lá lành Nhơn Hưng sản xuất. Ảnh: NVCC
Tháng 12.2022, chị đã vận động những phụ nữ cùng sở thích ở địa phương cùng thành lập HTX Dịch vụ sản xuất rau an toàn Lá lành Nhơn Hưng, đồng thời đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX. Chuyển đổi mô hình kinh doanh, chị Huyền gặp nhiều trở ngại như vốn đầu tư, cách vận hành, quảng bá sản phẩm… Trên hết, để kinh doanh thành công, chị thường xuyên gặp gỡ, động viên thành viên HTX, tạo sự thống nhất trong nhận thức về chăm bón, sản xuất thực phẩm sạch, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
Song song với đó, để tăng doanh thu cho HTX, chị học hỏi cách đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Mặt khác, chị ưu tiên hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho chị em có thêm nguồn thu nhập từ sản phẩm sạch; tận dụng tối đa thời gian nông nhàn của lao động địa phương.
Chị Huyền chia sẻ: “Khởi nghiệp với mô hình HTX là thách thức lớn với bản thân tôi, nhất là khi tuổi đã không còn trẻ. Thế nhưng, với mong muốn đem lại nguồn thực phẩm tốt cho sức khỏe người sử dụng, tôi quyết tâm vượt mọi thử thách bởi niềm đam mê với hướng đi này”.
Hết mình với hoạt động phong trào
Chị Ngô Thị Thúy (SN 1960, ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) là hội viên năng động, nhiệt tình góp sức cho phong trào hội tại địa phương.
Chị Thúy (thứ 2 từ trái sang) nhiệt tình tham gia các hoạt động ở địa phương. Ảnh: Hội LHPN phường Quang Trung
Không chỉ là gương mặt quen thuộc trong các hoạt động thường niên như trao gạo tình thương, tặng sách giáo khoa cũ cho học sinh vượt khó học giỏi, chị Thúy còn thường xuyên kêu gọi cán bộ, hội viên và người dân thể hiện tinh thần tương thân tương ái, cùng đóng góp chi phí để hỗ trợ kịp thời những chị em có hoàn cảnh khó khăn, tạo nên sợi dây gắn kết chặt chẽ giữa tổ chức hội với hội viên, thắt chặt tình nghĩa trong cộng đồng dân cư.
Không chỉ nhiệt tình với công tác thiện nguyện, với tinh thần nhiệt huyết, chị Thúy xung phong tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Gần nhất, chị đã góp phần vào thành tích chung của Hội LHPN phường khi đạt giải 3 hội thi “Dân vũ - Khiêu vũ dưỡng sinh” nhân ngày 2.9, do Hội LHPN TP Quy Nhơn tổ chức; vận động chị em tham gia và đạt giải nhì hội thi “Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình cho hội viên phụ nữ năm 2022”, do Sở LĐ – TB &XH phối hợp cùng Hội LHPN tỉnh tổ chức.
“Với tôi, tuổi tác không phải là trở ngại trong việc tham gia hoạt động, chương trình do các cấp hội tổ chức. Tôi luôn nghĩ rằng, còn khỏe là còn tham gia sinh hoạt với chị em. Đó vừa là niềm vui của “tuổi xế chiều”, vừa là cách góp sức vào các phong trào ý nghĩa”, chị Thúy cho biết.
Không chấp nhận cái khó, cái khổ
Chị Bùi Thị Lưỡng (SN 1968, ở xã Bình Thành, huyện Tây Sơn) là hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Không chồng con, cả đời chị quần quật với đồng ruộng để nuôi sống bản thân và phụng dưỡng mẹ già cùng đứa cháu nhỏ mồ côi.
Chị Lưỡng sử dụng tốt vốn vay để chăn nuôi bò. Ảnh: D.L
Thế nhưng, làm thuê, làm mướn mãi vẫn không đủ để trang trải cho gia đình, chị Lưỡng mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để mua 3 con bò cái, quyết tâm chăn nuôi, phát triển kinh tế.
Vì không có kinh nghiệm, chị Lưỡng phải chăm chỉ, mày mò học thêm kiến thức qua sách báo, tham gia các lớp tập huấn ở địa phương và học hỏi từ những người đi trước. Nhờ kiên trì, không nản lòng, việc chăn nuôi của chị ngày càng khởi sắc. Đến cuối năm 2021, chị xây dựng thêm chuồng trại, nuôi thêm 4 con bò cái và 2 bê con. Ngoài ra, chị tăng diện tích đất trồng cỏ voi, cỏ nước lùn để làm thức ăn cho bò; làm thêm 6 sào ruộng, 15 sào mì, nuôi thêm đàn gà. Từ đó, mái ấm nhỏ của chị dần sung túc hơn, không còn bữa no, bữa đói.
Tất bật với chuồng trại, ruộng đồng là vậy nhưng chị vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động ở địa phương cũng như các buổi sinh hoạt do chi hội phụ nữ tổ chức, nhằm chia sẻ kinh nghiệm giúp chị em làm kinh tế.
“Khó khăn là động lực để tôi vươn lên. Thay vì chấp nhận sống mãi với cái khó, cái khổ, tôi muốn học hỏi để thoát khỏi cái nghèo. Khi đó, tôi có thể tự nuôi sống bản thân, chăm sóc người thân và hỗ trợ các chị em cùng hoàn cảnh có thêm động lực để phát triển kinh tế”, chị Lưỡng tâm sự.
DƯƠNG LINH