Tạo đột phá trong tăng trưởng và phát triển nông nghiệp
Năm 2023, tỉnh Bình Định đề ra nhiều chương trình, kế hoạch tạo đột phá cho ngành nông nghiệp. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành nông nghiệp mới đây, đã có nhiều ý kiến quan trọng về vấn đề này, Báo Bình Định lược ghi những nét chính.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh NGUYỄN TUẤN THANH: Đột phá toàn diện để tăng trưởng bền vững
Để đạt được mục tiêu phát triển toàn diện, ngành nông nghiệp phải rà soát và xây dựng kế hoạch hoạt động hết sức chi tiết ở các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng nông thôn mới… Ở mỗi lĩnh vực, Sở NN&PTNT phải có những bước chuyển đổi phù hợp, khai thác tốt lợi thế, tiềm năng để thúc đẩy phát triển. Chẳng hạn với trồng trọt, tập trung cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tạo vùng trồng lớn áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất, tạo đà cho việc xây dựng nguyên liệu lớn phục vụ chế biến sâu, tăng giá trị nông sản. Với chăn nuôi, xác định được nhóm vật nuôi chủ lực, có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy phát triển chăn nuôi tập trung ở những vùng phù hợp; duy trì chăn nuôi nông hộ với những vùng phù hợp vừa tạo đà cho phát triển kinh tế quy mô lớn vừa giúp ổn định sinh kế của người dân. Với lĩnh vực thủy sản, cơ cấu lại đội tàu là yêu cầu đầu tiên, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, thực hiện chuyển đổi cho ngư dân. Đặc biệt, với tư duy đột phá, toàn ngành phải chuyển từ sản xuất thụ động sang chủ động, Sở NN&PTNT không đơn thuần làm nhiệm vụ chuyên môn “nuôi con gì, trồng cây gì” mà phải có tính toán chủ động là cây trồng nào, vật nuôi nào phù hợp chính xác với địa phương nào. Sản xuất phải gắn với tiêu thụ, từ Sở NN&PTNT cho tới các địa phương phải mở rộng liên kết, xây dựng kế hoạch xúc tiến tiêu thụ nông sản.
Mô hình sản xuất vùng nguyên liệu cây nha đam của một DN tại Tây Sơn. Ảnh: T.D
Giám đốc Sở NN&PTNT TRẦN VĂN PHÚC: Chú trọng kêu gọi DN tham gia vào chế biến sâu
Năm 2023, Sở NN&PTNT tập trung đẩy mạnh các chính sách khuyến khích phát triển ở từng lĩnh vực như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nuôi gà thả đồi, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển cây rừng gỗ lớn… Cùng với đó, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp. Đặc biệt, Sở cùng với các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch liên kết thu hút đầu tư vào nông nghiệp, chú trọng kêu gọi DN tham gia vào chế biến sâu để nâng cao chất lượng cho nông sản. Cùng với đó, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở KH&CN, các viện nghiên cứu để xây dựng quy trình sản xuất chuẩn hóa cho các nông sản chủ lực, trước mắt triển khai thí điểm cho huyện Hoài Ân. Toàn bộ kế hoạch của ngành nông nghiệp đều bám sát mục tiêu của Chương trình hành động số 11/CT-TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025 và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Phó Giám đốc Sở Công Thương NGUYỄN ĐÌNH KHA: Sản xuất phải gắn với tiêu thụ mới có thể thúc đẩy tăng trưởng
Năm 2023, Sở Công Thương phối hợp cùng các sở, ngành và các địa phương xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ nông sản tỉnh Bình Định bền vững. Mục tiêu của Sở là tập trung hình thành các chuỗi tiêu thụ nông sản từ trồng trọt đến chăn nuôi. Bước đầu tiên của kế hoạch là thống kê các nông sản chủ lực, lựa chọn HTX, đơn vị đủ điều kiện tham gia vào chuỗi liên kết và tiêu thụ nông sản. Trong quý I/2023, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu nông sản tại tỉnh Bình Định. Đồng thời, Sở phối hợp với Sở NN&PTNT và Sở KH&CN để lựa chọn và thí điểm xúc tiến xuất khẩu 1 - 2 loại trái cây chủ lực của tỉnh, mở đường cho trái cây Bình Định xuất khẩu chính ngạch.
Nông dân Hoài Ân chăm sóc bưởi đạt chứng nhận hữu cơ. Ảnh: T.D
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân NGUYỄN XUÂN PHONG: Duy trì các thị trường đã có, xúc tiến tìm kiếm khách hàng mới
Với lợi thế về địa hình, Hoài Ân đang phát triển tốt về cả chăn nuôi tập trung quy mô lớn và chăn nuôi nông hộ ở các vườn trang trại, vườn rừng. Cùng với đó, việc làm tốt công tác quản lý đàn, quản lý dịch bệnh, kiểm soát điều kiện chăn nuôi và hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ… đã giúp cho ngành chăn nuôi ổn định.
Năm 2023, Hoài Ân triển khai quản lý chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, cùng với hoạt động chăn nuôi, huyện tập trung xúc tiến tìm kiếm thị trường mới, duy trì các thị trường đã kết nối tiêu thụ sản phẩm như Đà Nẵng. Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh huyện Hoài Ân để góp phần hình thành các chuỗi chăn nuôi an toàn, đủ tiêu chuẩn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TX Hoài Nhơn PHẠM VĂN CHUNG: Tiếp tục phát huy vai trò của kinh tế biển
Năm 2023, TX Hoài Nhơn tiếp tục phát huy vai trò của kinh tế biển và duy trì đội tàu khai thác chất lượng cao. Năm 2022, đội tàu của Hoài Nhơn khai thác được 61.200 tấn thủy sản, tăng 3.000 tấn so với năm 2021, đạt 102% kế hoạch. Hằng ngày có khoảng 400 tàu cá/2.000 lao động khai thác trên các vùng biển xa, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất cho người dân.
Vấn đề trăn trở của Hoài Nhơn đó là đồng hành giúp ngư dân an tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền và ngăn chặn vi phạm IUU. Năm 2023, Hoài Nhơn tiếp tục đẩy mạnh ngăn chặn vi phạm IUU bằng nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào tuyên truyền cho người dân, cam kết và giao trách nhiệm cho người đứng đầu các xã, phường ven biển. Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ, chuyển giao công nghệ để người dân yên tâm bám biển.
Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cảng cá Tam Quan (Hoài Nhơn) phục vụ hậu cần nghề cá. Ảnh: T.D
Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát PHẠM DŨNG LUẬN: Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Năm 2023, Phù Cát tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, tập trung chuyển đổi cây trồng cạn trên đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng đậu phụng, hành, ớt, rau dưa các loại nhằm tăng giá trị kinh tế trên cùng một diện tích sản xuất. Rõ ràng, chuyển đổi đúng cây trồng, canh tác đúng quy trình (luân canh, xen canh) tăng thu nhập rất lớn cho nông dân. Chẳng hạn cùng trên 1 ha đất, vụ Đông Xuân trồng đậu phụng, vụ Hè trồng dưa và vụ Mùa trồng kiệu, nông dân thu được trên 400 triệu đồng/ha. Tính toán của ngành nông nghiệp huyện Phù Cát, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý tăng thu nhập từ 3 - 25 triệu đồng/ha/tùy thuộc vào cây trồng. Bên cạnh thực hiện chính sách hỗ trợ, huyện Phù Cát đầu tư nâng cấp hệ thống kênh tưới tiêu, chuyển giao tiến bộ KHKT, công nghệ cho người dân để nâng cao năng suất và sản lượng.
THU DỊU