Xây dựng các mô hình khuyến nông mới, chuyển giao công nghệ cho nông dân:
Bám sát định hướng, phù hợp điều kiện địa phương
Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) đang tập trung xây dựng các mô hình sản xuất bám sát theo định hướng phát triển của tỉnh, đồng thời phù hợp với điều kiện sản xuất của từng địa phương. Các mô hình khuyến nông được gia tăng ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ KHKT.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, hoạt động khuyến nông ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Năm 2022, lĩnh vực trồng trọt có 14 mô hình với 28 điểm trình diễn, trong đó các mô hình này tập trung vào chuyển đổi cây trồng cạn trên đất kém hiệu quả sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn; chăn nuôi có 2 mô hình với 4 điểm trình diễn; lĩnh vực thủy sản 5 mô hình với 11 điểm trình diễn, trong đó tập trung các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ cao như Semi-Biofloc, Biofloc…
Mô hình nuôi cá nước ngọt trong hồ thủy lợi gắn với tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: THU DỊU
Từ các mô hình đã triển khai, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức 4 cuộc hội thảo các mô hình khuyến nông đạt hiệu quả cao để nhân rộng ra toàn tỉnh: Thâm canh lúa cải tiến SRI theo hướng hữu cơ; thâm canh canh cây đậu phụng gắn liên kết chuỗi có sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm; nuôi cá nước ngọt trong hồ thủy lợi gắn với tiêu thụ sản phẩm và nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc. Lợi nhuận từ các mô hình khuyến nông mới cao hơn đối chứng từ 4 - 23 triệu đồng ha/mô hình trồng trọt; 6 - 15 triệu đồng/mô hình chăn nuôi; 110 - 120 triệu đồng/mô hình nuôi trồng thủy sản. Các mô hình này đã được nông dân đón nhận, từng bước triển khai và hình thành các vùng sản xuất tập trung.
Nắm bắt được nhu cầu thay đổi của nông dân, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tập trung vào các mô hình sản xuất áp dụng công nghệ, từng bước tạo điều kiện để người dân tham gia, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và áp dụng phù hợp. Chẳng hạn, nắm bắt được sự chuyển biến canh tác lúa áp dụng công nghệ drone (máy bay không người lái) trong bảo vệ thực vật, vụ Đông Xuân 2022 - 2023, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với DN uy tín trong lĩnh vực này ở TP Hồ Chí Minh, xây dựng mô hình ở HTXNN Nhơn Thọ 2 (xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn) và HTXNN Hoài Mỹ (xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn) nhằm định hình và từng bước chọn lọc các phương pháp phù hợp, tiến tới đánh giá và lựa chọn nhân rộng cho nông dân. Hay như lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, với việc xác định nuôi tôm thẻ chân trắng là chủ lực, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng các mô hình đưa công nghệ mới vào nuôi tôm, chuyển giao thành công cho người dân ở các vùng nuôi phù hợp. Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông tập trung xây dựng các mô hình gắn với chủ trương, đề án phát triển của tỉnh như liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn tiêu thụ sản phẩm, sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hoạt động khuyến nông thay đổi theo hướng tăng cường ứng dụng KHCN, thông tin trong tuyên truyền, đổi mới phương pháp kiểm tra giám sát, chú trọng đến tính hiệu quả và khả năng nhân rộng của các mô hình khuyến nông, phù hợp với quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, khẳng định: “Hoạt động khuyến nông gắn liền và bắt nhịp với xu hướng phát triển của nền nông nghiệp hiện đại và bền vững. Những mô hình theo lối mòn giảm dần thay vào đó là những mô hình sản xuất có tính ứng dụng cao và phát huy được các giá trị mới. Các mô hình khuyến nông phải đi từ thực tế nhu cầu sản xuất, thậm chí là các mô hình khuyến nông triển khai theo đơn đặt hàng của các địa phương phù hợp với định hướng phát triển của từng vùng”.
THU DỊU