Phát triển các vùng chăn nuôi heo trọng điểm
Năm 2023 và giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển các vùng chăn nuôi heo trọng điểm. Ðẩy mạnh ứng dụng KHKT, công nghệ vào chăn nuôi, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung và đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng cho sản phẩm thịt heo Bình Ðịnh.
Theo đó, ngành nông nghiệp xác định xây dựng vùng chăn nuôi heo trọng điểm tập trung ở các huyện, thị xã: Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Nhơn và Phù Cát. Đây cũng là các địa phương đang có số lượng tổng đàn heo lớn, có nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung, áp dụng công nghệ quản lý dịch bệnh khép kín, công nghệ Blockchain trong theo dõi và kiểm soát đàn heo.
Huyện Hoài Ân là đơn vị đầu tiên trong tỉnh thí điểm việc “chuẩn hóa” quy trình chăn nuôi và chất lượng sản phẩm, tiến tới xây dựng vùng nuôi an toàn dịch bệnh huyện. Ảnh: THU DỊU
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), lĩnh vực chăn nuôi đang được tỉnh ta cơ cấu lại với 3 nhóm vật nuôi trên cạn chủ lực là heo, bò thịt chất lượng cao và gà. Riêng với chăn nuôi heo, đến nay tổng đàn heo toàn tỉnh đạt gần 664 nghìn con, tăng 0,43% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình phát triển và tái đàn heo đang được duy trì ổn định, công tác phòng, chống dịch bệnh được kiểm soát tốt. Trong đó, 4 vùng nuôi tập trung kể trên chiếm gần 70% tổng đàn heo toàn tỉnh.
Với sự nỗ lực từ ngành nông nghiệp và các địa phương, người chăn nuôi, đến nay tỉnh Bình Định được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chứng nhận sở hữu “Heo Hoài Ân” - đây là bước đầu tiên trong việc hình thành vùng chăn nuôi hợp chuẩn, đưa chất lượng thịt heo Bình Định đạt các chứng nhận về ATTP đến tay người tiêu dùng.
Trong 4 vùng nuôi heo trọng điểm của tỉnh, hiện ở TX An Nhơn đã có Khu chăn nuôi heo tập trung Nhơn Tân (xã Nhơn Tân) đã đưa vào hoạt động, các hộ chăn nuôi chuyển dần vào đây để phát triển. Tổng đàn heo của TX An Nhơn hơn 85.000 con; thị xã có 41 trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn, trong đó có 4 trang trại được công nhận cơ sở chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh. Theo ông Huỳnh Văn Thạnh, cán bộ kỹ thuật phụ trách chăn nuôi của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX An Nhơn, nhằm ổn định tổng đàn heo, duy trì tỷ lệ tăng trưởng, hằng năm ngành nông nghiệp TX An Nhơn tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật trong chăn nuôi để người dân áp dụng. Riêng với nuôi heo, Trung tâm hướng dẫn xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh gắn với bảo vệ môi trường.
Tại Hoài Ân, những năm qua, chính quyền các cấp đẩy mạnh đầu tư phát triển chăn nuôi heo. Đến nay, Hoài Ân có 32 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn, trong đó có 5 trại áp dụng công nghệ cao. Hiện nay, địa phương xúc tiến xây dựng khu mua bán, vận chuyển và giết mổ tập trung, nhằm hạn chế tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Năm 2023, huyện thực hiện quản lý chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm, trong đó chú trọng vào đàn heo để duy trì và phát triển nhãn hiệu “Heo Hoài Ân”.
Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, cho hay, huyện tiếp tục phát triển chăn nuôi, quy hoạch vùng nuôi theo 3 nhóm vật nuôi chủ lực của tỉnh. Riêng với đàn heo, trong năm nay xúc tiến phát triển vùng nuôi tập trung, phát triển các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh tiến tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh huyện Hoài Ân. Xây dựng chuỗi chăn nuôi heo gắn với tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.
Tương tự ở Phù Cát, Hoài Nhơn, cũng đang hoàn thiện và quy hoạch vùng nuôi heo tập trung. Đẩy mạnh áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong kiểm soát đàn vật nuôi để duy trì sự ổn định của tổng đàn. Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho hay, việc duy trì các vùng trọng điểm chăn nuôi heo nằm trong quy hoạch phát triển chăn nuôi của ngành nông nghiệp tỉnh, phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng vùng. Với lợi thế trong việc cung cấp giống, chuyển giao tiến bộ KHKT, công nghệ trong chăn nuôi, quy hoạch vùng nuôi phù hợp tạo lợi thế lớn cho các địa phương này. Cùng với đó, ngành nông nghiệp đang tập trung hoàn thiện kế hoạch phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường. Kế hoạch này được triển khai là tiền đề để người chăn nuôi ở các vùng chăn nuôi tập trung “chuẩn hóa” chất lượng sản phẩm, tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm chăn nuôi, mở ra vùng nguyên liệu ổn định phục vụ cho hoạt động chế biến sâu.
THU DỊU