Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025: Bộn bề nỗi lo
8/8 địa phương đã bàn giao cho chủ đầu tư 758,4 ha đất bị ảnh hưởng bởi tuyến chính (đạt 80,2%), đủ để triển khai thi công 92,29 km (đạt 78,6% chiều dài tuyến). Tuy nhiên, các địa phương và cả UBND tỉnh vẫn lo lắng khi nhiều kiến nghị với chủ đầu tư từ khi triển khai dự án đến nay vẫn chưa được giải quyết, nhất là vấn đề bàn giao mốc mỏ vật liệu, bãi thải, trạm dừng nghỉ…
Theo báo cáo của Sở GTVT, tổng vốn Bộ GTVT đã cấp từ ngày 16.11.2022 đến nay là hơn 4.730 tỷ đồng, đạt 60,6% so với nhu cầu (hơn 7.806 tỷ đồng). Trong đó: Vốn đã cấp năm 2022 là 1.507,599 tỷ đồng; vốn đã cấp theo kế hoạch năm 2023 (cấp từ ngày 12 - 30.1.2023) là 3.222,5 tỷ đồng. 8 địa phương đã chi trả cho các hộ, tổ chức bị ảnh hưởng với số tiền 1.502,8 tỷ đồng, đạt 99,7% vốn cấp năm 2022. Hiện có 5 địa phương đã chi trả vốn cấp năm 2023 và việc giải ngân đang được khẩn trương tiến hành.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương đẩy mạnh hoàn tất các thủ tục khu tái định cư trong tháng 1.2023 và khởi công vào tháng 2.2023. Ông Phạm Văn Chung, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TX Hoài Nhơn, cho biết: Hiện nay, Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thị xã đang lập hồ sơ thủ tục và tổ chức lựa chọn nhà thầu, triển khai thi công xây dựng 12 khu tái định cư với tổng diện tích 19 ha, 6 khu cải táng với hơn 15,3 ha cho hơn 1.600 ngôi mộ. Dự kiến tổng kinh phí chi cho các mục việc trên là khoảng 367 tỷ đồng. Theo thống kê, có 273 gia đình có nhà bị giải tỏa trắng cần bố trí tái định cư với nhu cầu bố trí 423 lô đất ở, trong đó có 130 lô đất phát sinh do có nhiều gia đình sống chung trên cùng thửa đất. Khối lượng công việc như vậy là còn khá lớn. UBND thị xã đôn đốc các đơn vị tư vấn khẩn trương xuất hồ sơ thiết kế cơ sở và thuyết minh để trình Ban QLDA 2 và Ban QLDA 85 tham gia ý kiến và hoàn thiện hồ sơ, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT thẩm định phần thiết kế đê, kè… để có cơ sở triển khai thi công.
UBND huyện Tây Sơn chi trả tiền bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: HẢI YẾN
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng, các địa phương phải khẩn trương chi trả xong vốn cấp năm 2023 để nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm của quốc gia, các cấp chính quyền địa phương phải ưu tiên dốc toàn tâm, toàn lực hoàn thành đúng tiến độ phần việc của mình. Đặc biệt cả 8 địa phương phải khẩn trương di dời phần mồ mả vì số lượng còn lại khá nhiều; dứt điểm công tác lập hồ sơ các khu cải táng, khu tái định cư; khẩn trương, đẩy nhanh các thủ tục xây dựng các khu cải táng, khu tái định cư hiện còn chậm. Đến ngày 30.6.2023 phải bàn giao toàn bộ 100% mặt bằng.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cũng yêu cầu chủ đầu tư, cụ thể là Ban QLDA 85 phải trả lời dứt điểm các kiến nghị của UBND tỉnh trong suốt 1 năm qua, như: Xin điều chỉnh, bổ sung diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên để thực hiện dự án; đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho chủ trương bổ sung kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 2.852,44 tỷ đồng so với kinh phí đã được Bộ GTVT phê duyệt để đảm bảo kịp thời chi trả.
Theo đề nghị của chủ đầu tư, UBND tỉnh đã chấp thuận 33 vị trí bãi đổ thải để phục vụ dự án, với tổng diện tích là 93,79 ha (nguồn gốc cơ bản là đất rừng và đất nông nghiệp); sau khi hết sử dụng vào mục đích đổ thải thì diện tích này không thể sử dụng để canh tác, sản xuất được nữa. Do đó, UBND tỉnh kiến nghị chủ đầu tư xin ý kiến Bộ GTVT, để Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT xem xét hướng dẫn việc bồi thường và chấp thuận cho thu hồi đất vĩnh viễn đối với các diện tích làm bãi đổ thải.
Một vấn đề nữa là hiện nay, đa số các đoạn tuyến kết nối vào nút giao liên thông là các đường địa phương nhỏ hẹp. Chủ đầu tư cần xin ý kiến của Bộ GTVT xem xét đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng các đoạn tuyến từ 5 nút giao liên thông trên địa bàn các huyện Hoài Ân (ĐT 629), Phù Mỹ, Phù Cát (ĐT 634), Tây Sơn (QL 19B), Tuy Phước (QL 19C) kết nối với QL 1, với chiều dài khoảng 16,2 km, đạt quy mô đường cấp III (nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 11 m), kinh phí khoảng 300 tỷ đồng, nhằm phát huy hiệu quả khai thác tuyến cao tốc.
Các kiến nghị này được giải quyết sớm thì UBND các địa phương mới có thể hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng 100% đúng tiến độ yêu cầu.
HẢI YẾN