Nuôi tôm nước lợ vụ 1 năm 2023: Theo dõi sát diễn biến thời tiết, thả giống đúng lịch thời vụ
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), các vùng nuôi tôm nước lợ trong tỉnh bắt đầu xuống giống vào đầu tháng 3.2023. Với nhiều thay đổi bất thường của thời tiết, hiện tượng ngọt hóa diễn ra tại nhiều vùng nuôi, ngành chức năng khuyến cáo người nuôi tôm chú trọng khâu xử lý hồ, thả giống đúng lịch thời vụ, phòng ngừa các bệnh để đảm bảo vụ nuôi đạt kết quả tốt.
Năm nay, do diễn biến bất thường của thời tiết, ngay từ cuối năm 2022, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT cùng các địa phương xây dựng kế hoạch nuôi thủy sản năm 2023. Theo đó, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương ven biển rà soát, thống kê lại diện tích nuôi tôm nước lợ, ban hành khung lịch thời vụ và hướng dẫn, giám sát người nuôi tôm thực hiện đúng quy định. Toàn tỉnh hiện có gần 2.200 ha ao, hồ nuôi tôm, tập trung dọc các địa phương ven biển gồm TP Quy Nhơn, TX Hoài Nhơn, các huyện Tuy Phước, Phù Cát và Phù Mỹ. Hiện nay, các hộ nuôi thủy sản đang triển khai công tác nạo vét, vệ sinh cải tạo ao đìa để chuẩn bị thả giống nuôi vụ 1 năm 2023 theo lịch thời vụ mà Sở NN&PTNT ban hành.
Vùng nuôi tôm ở Phù Cát chuyển dần từ nuôi quảng canh cải tiến trong ao đất sang nuôi thâm canh, thực hiện phủ bạt nuôi 2 - 3 giai đoạn hoặc áp dụng công nghệ Semi - Biofloc. Ảnh: THU DỊU
Năm 2023 huyện Tuy Phước có hơn 809 ha nuôi tôm nước lợ, năm nay huyện chú trọng tổ chức nuôi thủy sản nước lợ dựa trên ứng dụng công nghệ cao theo hướng an toàn lao động - an toàn sinh học - an toàn môi trường và an sinh xã hội; thí điểm và nhân rộng ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao Semi - Biofloc và nuôi 2- 3 giai đoạn cho các diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh. Đồng thời, thí điểm chuyển 10 ha ao nuôi phía trên đê Đông sang áp dụng nuôi tôm bằng công nghệ Semi - Biofloc.
Ông Phạm Quang Ân, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: Dựa trên lịch thời vụ chung của tỉnh, chúng tôi hướng dẫn người nuôi tôm thả giống vụ 1 từ ngày 1.3.2023. Năm nay, kết quả quan trắc cho thấy diễn biến bất thường của thời tiết ảnh hưởng rất lớn tới các ao nuôi. Theo đó nhiều vùng nuôi đã bị ngọt hóa với nhiều mức độ khác nhau, và điều này làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Vì vậy, chúng yêu cầu người dân tuyệt đối tuân thủ lịch thời vụ; tập trung khâu vệ sinh ao nuôi chu đáo, tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật; lựa chọn giống tôm chất lượng tốt từ các cơ sở có chứng nhận. Ban đầu, chúng tôi dự định sẽ tổ chức vùng nuôi tôm áp dụng tiêu chuẩn VietGAP ở khu Đông Điền, xã Phước Thắng nhưng do hiện tượng ngọt hóa, điều này không còn phù hợp nữa. Đổi lại, chúng tôi giúp bà con thí điểm chuyển sang nuôi quảng canh cải tiến kết hợp; riêng những hồ nuôi đủ điều kiện về hạ tầng thì chuyển sang nuôi theo công nghệ Semi - Biofloc; với các vùng điều kiện chưa đáp ứng, khuyến khích bà con nuôi phủ bạt 2 - 3 giai đoạn để nâng cao năng lực phòng bệnh cho tôm.
Tại huyện Phù Cát, sau khi chứng kiến hiệu quả đa dạng của việc nuôi tôm theo công nghệ nuôi Biofloc, Semi - Biofloc, nhiều người nuôi tôm từng bước chuyển sang áp dụng công nghệ này. Với gần 200 ha ao hồ nuôi tôm, huyện Phù Cát cũng là địa phương có vùng nuôi tôm lớn. Vụ nuôi năm 2023, địa phương đã tích cực thông tin, hướng dẫn để người dân chủ động nắm bắt và thực hiện các khâu xử lý, vệ sinh ao trước khi vào vụ mới. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Phù Cát, nhờ áp dụng tiến bộ KHKT, công nghệ, mấy năm gần đây người dân ở đây đã chuyển từ nuôi tôm quảng canh cải tiến trên ao đất sang nuôi trải bạt 2 - 3 giai đoạn; nuôi theo công nghệ Semi - Biofloc. Và năm nay dự báo sẽ có nhiều đột phá trong lĩnh vực này.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, hiện đơn vị phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ năm 2023 về thời gian thả giống, mật độ thả cũng như phương thức nuôi tôm phù hợp. Tiếp tục triển khai quan trắc môi trường tại các vùng nuôi tập trung. Trong khi đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục triển khai hướng dẫn người nuôi tôm tập trung các giải pháp xử lý, vệ sinh ao nuôi đúng quy định, thực hiện nghiêm các khâu trong phòng dịch, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh phát sinh trong ao nuôi ngay từ đầu vụ.
THU DỊU