Hội thảo Nghề nuôi biển: Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp:
Đại biểu tham quan Khu phức hợp nuôi và sản xuất tôm thương phẩm công nghệ cao Việt Úc - Phù Mỹ
(BĐ) - Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo Nghề nuôi biển: Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp, chiều 13.2, đoàn đại biểu tham gia Hội thảo đã tham quan thực tế tại Khu phức hợp nuôi và sản xuất tôm thương phẩm công nghệ cao Việt Úc - Phù Mỹ (xã Mỹ Thành, huyện Mỹ).
Khu phức hợp nuôi và sản xuất tôm công nghệ cao của Tập đoàn Việt Úc - Phù Mỹ tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) ứng dụng công nghệ Biofloc, Synbiotic với mật độ nuôi công nghệ cao từ 300 – 600 con/m2, nuôi hai giai đoạn từ 3,5 - 4 vụ nuôi/năm/trại nuôi.
Tại buổi tham quan, các đại biểu được giới thiệu về Tập đoàn Việt Úc và hoạt động sản xuất kinh doanh ngành tôm theo chuỗi khép kín. Riêng khu nuôi tôm thương phẩm của Việt Úc - Phù Mỹ có diện tích khoảng 400 ha; trong đó, Khu phức hợp nuôi và sản xuất tôm thương phẩm công nghệ cao Việt Úc - Phù Mỹ có diện tích 116,34 ha. Đến nay, DN đã xây dựng được 10 khu nhà màng, mỗi nhà màng có diện tích 1 ha; 30 nhà lưới, mỗi nhà lưới diện tích 1 ha. Tập đoàn Việt Úc đầu tư quy trình nuôi tôm bền vững bằng công nghệ Biofloc, Synbiotic. Cùng với đó, ứng dụng các công nghệ hiện đại khác trong khâu xử lý nước đầu vào, kiểm soát nhiệt độ nước nuôi tôm, tỷ lệ thay nước trong một vụ nuôi không quá 300% so với quy định thông thường là 3.000%; ứng dụng các công nghệ trong phối trộn thức ăn và cho tôm ăn, vận chuyển tôm đến các ao nuôi theo quy trình... Với quy trình này, mỗi năm công ty nuôi từ 3,5 - 4 vụ, sản lượng thu hoạch đạt 40 - 60 tấn/ha. Năm 2022, DN thu hoạch được 1.600 tấn tôm; mục tiêu năm 2023, DN dự kiến thu hoạch 1.800 tấn tôm.
Ngoài công nghệ Biofloc, Synbiotic, Tập đoàn Việt Úc còn ứng dụng công nghệ xử lý nước đầu vào, kiểm soát nhiệt độ nước nuôi tôm, thiết bị nghe và cho tôm ăn tự động, công nghệ vận chuyển tôm, xét nghiệm PCR…
Ông Nguyễn Công Cẩn, Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật Tập đoàn Việt Úc trao đổi với đoàn đại biểu các vấn đề liên quan tới Khu phức hợp nuôi và sản xuất tôm thương phẩm công nghệ cao Việt Úc - Phù Mỹ (xã Mỹ Thành, Phù Mỹ).
Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cũng đã trao đổi, chia sẻ về tiềm năng phát triển nghề nuôi thủy sản của tỉnh Bình Định với các đại biểu; trong đó có đối tượng nuôi chủ lực là tôm thẻ chân trắng thương phẩm. Ngoài DN lớn đi đầu về công nghệ như Tập đoàn Việt Úc, hiện ở một số vùng nuôi tôm trong tỉnh, người dân dần chuyển đổi qua mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, 3 giai đoạn áp dụng công nghệ Semi - Biofloc, nuôi an toàn dịch bệnh, mang lại hiệu quả cao.
Máy vận chuyển tôm đảm bảo tôm nuôi không bị sốc nhiệt khi luân chuyển đến các ao nuôi, cũng như giữ được chất lượng tôm thương phẩm khi thu hoạch.
Hội thảo Nghề nuôi biển: Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp, do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Bình Định tổ chức vào sáng 14.2 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh (TP Quy Nhơn).
THU DỊU - NGỌC NHUẬN