Tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi đợt 1 năm 2023: Chuẩn bị chu đáo, kiểm soát chặt chẽ quá trình tiêm
Ðể đảm bảo an toàn và ổn định đàn vật nuôi, cuối tháng 1.2023, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh và tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi năm 2023. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch và thực hiện tiêm phòng đúng quy định.
Nhiều điểm mới trong công tác tiêm phòng năm 2023
Trên cơ sở kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi năm 2023 của UBND tỉnh ban hành, ngay trong tháng 1.2023, Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch, giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương thực hiện. Theo đó, năm nay, việc tiêm phòng cho nhóm động vật trên cạn sẽ thực hiện tiêm khép kín đối với 2 bệnh là cúm gia cầm và viêm da nổi cục trên trâu, bò; với bệnh dịch tả heo châu Phi không khuyến cáo tiêm đại trà mà thực hiện tiêm chọn lọc và có giám sát chặt chẽ trước, trong, sau tiêm phòng; với bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng…, tiêm theo thời gian quy định.
Tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu bò. Ảnh: THU DỊU
Cụ thể, với bệnh cúm gia cầm, thực hiện tiêm đợt 1 từ ngày 1.1 đến 30.6; đợt 2 từ ngày 1.7 đến 31.12. Với bệnh viêm da nổi cục cũng thực hiện khép kín từ ngày 1.1 - 31.12. Khác với các vắc xin khác, vắc xin viêm da nổi cục phải tiêm mỗi năm 1 lần. Tuy nhiên, kết quả điều tra dịch tễ cho thấy mầm bệnh này tồn tại ở bên ngoài rất lớn, đặc biệt là ở đối tượng bê nghé mới sinh. Do đó việc tiêm khép kín để đảm bảo tiêm bổ sung đầy đủ, thường xuyên, liên tục nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm cho đàn vật nuôi.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết: “Năm nay thực hiện tiêm khép kín với 2 bệnh cúm gia cầm và viêm da nổi cục nhằm đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi. Cùng với đó, để giám sát việc tiêm phòng nhằm loại trừ rủi ro do tiêm sai đối tượng, Chi cục tham mưu Sở NN&PTNT yêu cầu các địa phương nắm thông tin các cơ sở kinh doanh vắc xin, thực hiện giám sát việc cung cấp vắc xin từ cơ sở cho tới hộ tiêm phòng để khoanh vùng, chủ động giám sát trước, trong và sau tiêm. Cử cán bộ thú y đứng chân địa bàn phối hợp với lực lượng thú y cơ sở, chính quyền các cấp địa phương trong việc tuyên truyền và triển khai kế hoạch tiêm phòng. Về phía Chi cục, chúng tôi phối hợp với các địa phương nắm tình hình nhu cầu vắc xin, chuẩn bị đầy đủ cung ứng cho địa phương triển khai công tác tiêm phòng đúng quy định”.
Chú trọng tuyên truyền cho người dân
Chi cục Chăn nuôi và Thú y đánh giá, hiện nay, về cơ bản dịch bệnh trên đàn vật nuôi đã được kiểm soát, tuy nhiên mầm bệnh vẫn còn tồn tại, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vẫn còn xảy ra cục bộ ở một số địa phương như bệnh dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục, bệnh cúm trên đàn gia cầm… Bên cạnh đó, do điều kiện chăn nuôi nông hộ nên một số biện pháp phòng chống dịch, kiểm soát dịch chưa được bài bản, nguy cơ dịch tiềm ẩn và bùng phát là rất lớn. Chính vì thế, cùng với việc thực hiện tiêm và giám sát hoạt động tiêm phòng, công tác truyền thông sẽ được chú trọng nhiều hơn.
Quan trọng trong việc thực hiện tiêm phòng là sự chủ động từ phía người dân, do vậy Chi cục tiếp tục phối hợp với các địa phương, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp thực hiện công tác tuyên truyền trước, trong và sau tiêm phòng.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, nhờ công tác kiểm soát dịch bệnh tốt, hoạt động tái đàn ổn định, tổng đàn vật nuôi của tỉnh tăng lên. Đến hết tháng 1.2023, tổng đàn bò toàn tỉnh ước đạt 303.400 con, tăng 1,55% so với cùng kỳ năm 2022; đàn heo ước đạt 663.890 con tăng 0,43% so với cùng kỳ năm 2022; đàn gia cầm ước đạt hơn 9,3 triệu con, tăng 2,05% so với cùng kỳ năm 2022.
THU DỊU