Hiến kế cho Bình Định “cất cánh”
Trong bối cảnh tỉnh Bình Định tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đứng trước nhiều cơ hội đầu tư phát triển. Tại hội nghị gặp gỡ doanh nhân Bình Định tiêu biểu tại các tỉnh, thành phía Nam trong khuôn khổ Ngày hội người Bình Định tại TP Hồ Chí Minh năm 2023, nhiều ý kiến tâm huyết đã được gởi đến lãnh đạo tỉnh Bình Định.
Cam kết đồng hành với DN, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn mong muốn các doanh nhân, DN Bình Định đóng góp, hiến kế cho tỉnh trên nhiều lĩnh vực kinh tế, logictics, công nghiệp sản xuất, du lịch. Trong không khí cởi mở, với trách nhiệm của mình, các DN người Bình Định đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng trong định hướng đầu tư phát triển KT-XH của tỉnh thời gian tới. Báo Bình Định trích đăng một số ý kiến tại hội nghị.
TS TRẦN DU LỊCH, THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG TƯ VẤN CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH, TIỀN TỆ QUỐC GIA:
Bình Định sẽ “cất cánh” trong 10 năm tới
Đội ngũ doanh nhân người Bình Định ở TP Hồ Chí Minh rất đông đảo. Tôi muốn doanh nhân sống, làm việc ở thành phố có thể hợp tác, liên kết, chia sẻ cùng làm ăn trên tinh thần tự nguyện “buôn có bạn, bán có phường” để tạo sức mạnh cho cả cộng đồng và cho chính bản thân. Những doanh nhân thành đạt ở đây có thể trở về đầu tư, phát triển tại quê hương.
Bình Định ở thời điểm này, xét trên bình diện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì các yếu tố về hạ tầng, lợi thế phát triển đang dần hình thành thuận lợi. Bình Định có lợi thế lớn khi có 4 trục giao thông chiều dọc ven biển (QL 1, tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đang thi công, tuyến đường ven biển ĐT 639…), cùng hệ thống cảng biển, cảng hàng không. Do vậy, hạ tầng giao thông chính là lợi thế lớn cho tỉnh tận dụng để phát triển KT-XH.
Tôi tin rằng sau khi dự án đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn qua địa bàn tỉnh), đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku (đoạn qua địa bàn tỉnh), nâng cấp Cảng Hàng không Phù Cát và hệ thống giao thông xương cá nối từ phía Tây về phía Đông hoàn thiện, cộng thêm nguồn nhân lực và cải cách về thể chế, Bình Định sẽ “cất cánh” trong 10 năm tới (2026 - 2035), với mức tăng trưởng mỗi năm 2 con số. Khi đó tỉnh sẽ có cực tăng trưởng mạnh và trở thành địa phương có tầm cỡ ở miền Trung.
ÔNG NGUYỄN QUỐC KỲ, CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ TẬP ĐOÀN DU LỊCH VÀ HÀNG KHÔNG VIETRAVEL
Nên quy hoạch đầm Thị Nại
Thứ nhất, TX Hoài Nhơn đang hướng đến mục tiêu hình thành thành phố phía Bắc tỉnh. Vì vậy, tỉnh cần nghiên cứu, “nâng tầm” các giải pháp đầu tư để huyện An Lão phát triển KT-XH, trong đó có du lịch. Tương lai không xa kinh tế du lịch vùng phía Bắc tỉnh sẽ rất phát triển.
Thứ hai, tôi mong tỉnh cân nhắc việc đầu tư xây dựng cảng nước sâu ở Lộ Diêu (TX Hoài Nhơn). Tôi dùng hai chữ “cân nhắc” là bởi, Bình Định đang có bờ biển trải dài cùng nhiều thắng cảnh đẹp. Do đó, khi làm cảng nước sâu ở đây nếu không tính toán, khảo sát kỹ rất dễ phá vỡ cảnh quan và tuyến bờ biển đẹp.
Thứ ba, đầm Thị Nại rất đẹp, tuy nhiên cần quy hoạch lại thay vì để tự nhiên, gây lãng phí tiềm năng như hiện tại. Tỉnh có thể nghiên cứu phát triển đầm Thị Nại theo vẻ đẹp của hồ Geneva (Thụy Sĩ). Bởi nơi đây hội tụ những điều tuyệt vời nhất, từ phong cảnh cho đến văn hóa và cư dân…
Thứ tư, Bình Định đang có trục dọc QL 1, nên chăng cần có kết nối ngang từ Vân Canh, Phù Cát… ra biển. Tỉnh cần quan tâm, đầu tư hạ tầng giao thông kết nối ngang, khi đó quá trình vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp về cảng Quy Nhơn sẽ rất nhanh.
Thứ năm, tôi hoàn toàn đồng ý với kế hoạch nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát. Tuy nhiên, khi triển khai xây dựng đường băng thứ 2, cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng cự ly, độ giãn cách giữa hai đường băng, để làm sao khi hoạt động cùng lúc không gây ảnh hưởng đến nhau.
ÔNG TÔ NGỌC NGỜI, TỔNG GIÁM ĐỐC VINAFOR SAIGON JCO:
Đầu tư cho giao thông để mở rộng vùng kinh tế Bắc Bình Định
Theo tôi, trước mắt, tỉnh nên nghiên cứu đầu tư, xây dựng tuyến đường từ huyện Vĩnh Thạnh đến giáp huyện K’Bang (Gia Lai). Đây là địa phương có thổ nhưỡng thích hợp cho phát triển những cây công nghiệp có giá trị kinh tế, ưu thế về cạnh tranh, như: Cà phê, ca cao, mắc ca, dược liệu, mía, đậu đỗ, rau quả chất lượng cao... Dựa vào nguồn nguyên liệu phong phú, dồi dào ở K’Bang và tại chỗ, tỉnh có thể quy hoạch, xây dựng và phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp dọc tuyến đường mới này để thu hút các DN về đầu tư, phát triển sản xuất. Vĩnh Thạnh sẽ phát triển đột phá từ đó.
Cũng nên tính đến việc đầu tư kết nối xã An Toàn, huyện An Lão với Măng Đen của tỉnh Kon Tum - địa phương giàu tiềm năng về du lịch của tỉnh bạn. Xa hơn nữa, tỉnh cũng nên tính toán đến việc nghiên cứu đầu tư một tuyến đường kết nối đến vùng nguyên liệu ở Kon Tum và Bắc Lào. Vùng kinh tế phía Bắc Bình Định trên thực tế khi đó sẽ rất rộng.
ÔNG TRƯƠNG VĂN VIỆT, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ TẬP ĐOÀN HƯNG THỊNH:
Mong lãnh đạo tỉnh gặp gỡ doanh nghiệp, doanh nhân thường xuyên hơn
Tôi mong muốn hằng tháng, hằng quý trong năm tỉnh có thể tổ chức các buổi gặp gỡ DN, doanh nhân để cùng trao đổi về các kế hoạch thực hiện liên quan đến từng dự án đang đầu tư tại Bình Định. Thông qua những buổi gặp gỡ này, DN và tỉnh cùng trao đổi, thảo luận về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc xảy ra ở từng dự án. Từ đó, tỉnh có thể đưa ra những giải pháp hỗ trợ DN tháo gỡ các khó khăn đó, giúp các dự án triển khai đúng tiến độ, mục tiêu đề ra.
LÊ CƯỜNG - TRỌNG LỢI (ghi)