Bảo đảm chất lượng giáo viên theo yêu cầu chương trình giáo dục mới
Đó là một trong những nội dung mà các thành viên Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “việc thực hiện Nghị quyết số 88 năm 2014 và Nghị quyết số 51 năm 2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” nêu ra trong phiên họp thứ 2 vừa diễn ra mới đây.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 rộng khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, đồng bộ ở tất cả các địa phương, vùng, miền (không có bất kỳ cơ sở giáo dục nào chưa được triển khai thực hiện). Tuy việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới còn có sự khác nhau giữa các địa phương, cơ sở giáo dục nhưng về cơ bản đã đáp ứng mục tiêu và yêu cầu đổi mới. Các nhà trường đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện chương trình mới. Đội ngũ giáo viên đã thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh…
Sáng tạo trong giảng dạy là một trong những việc làm thiết thực của nữ cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Nam Triều (Ảnh: Báo Lao động Thủ đô)
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện chương trình mới tại các địa phương như: đội ngũ giáo viên còn chưa đồng bộ về cơ cấu đối với cấp Trung học Cơ sở và cấp Trung học Phổ thông, nhất là khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có một số môn học mới. Số lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn thừa thiếu cục bộ, đồng thời còn thiếu so với quy định…
Các thành viên Đoàn giám sát đánh đồng tình với các nội dung trong báo cáo và đề nghị Bộ GD&ĐT làm rõ một số vấn đề về chuyển đổi phương thức thi, kiểm tra đánh giá theo chương trình mới; sử dụng sách giáo theo chương trình mới, giải pháp bổ trợ kiến thức cho học sinh…. đặc biệt là giải pháp để đảm bảo đủ giáo viên dạy các môn học tích hợp theo chương trình mới.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu ý kiến: "Chúng tôi băn khoăn nhất là đội ngũ giáo viên. Qua đi khảo sát vừa rồi, một số các trường đại học sư phạm đang có những lứa sinh viên về khối khoa học tự nhiên, cũng như Sử, Địa ở khoảng năm thứ 3 hoặc năm thứ 2, nhưng số lượng tuyển sinh cũng như số lượng mà sắp tới tốt nghiệp thì có thể nói là so với yêu cầu là rất ít. Không biết là chúng ta sẽ có những giải pháp như thế nào. Bởi vì trên thực tế là số giáo viên hiện có mà người ta đi bồi dưỡng 3 tháng có chứng chỉ thì qua đi khảo sát chúng tôi thấy thực sự giáo viên không tự tin khi mà người ta triển khai chương trình dạy môn tích hợp".
Giải trình về những nội dung này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết việc kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh là đánh giá quá trình, thông qua các hoạt động, dự án. Trong quá trình thực hiện các hoạt động để giải quyết vấn đề, học sinh phải tìm tòi, trao đổi, khám phá, qua đó, giáo viên đánh giá thường xuyên. Trong việc đánh giá định kỳ, xây dựng các ma trận đề phù hợp.
Về việc bổ trợ kiến thức cho học sinh, Bộ đã ban hành công văn hướng dẫn quy định khối lượng kiến thức cần bổ sung cho từng môn học. Các nhà trường xây dựng chương trình để bù đắp kiến thức cho các em. Đối với việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho chương trình mới, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nêu rõ: "Kinh nghiệm các nước trên thế giới cũng không phải là tất cả môn khoa học đều có giáo viên dạy được cả 3 phân môn. Họ cũng có thể có giáo viên chỉ dạy một phân môn có giáo viên dạy hai phân môn, nên tùy theo điều kiện của từng nhà trường để có thể bố trí giáo viên dạy phù hợp. Cho nên cái này là một việc mà chúng tôi cũng đưa ra lộ trình và yêu cầu các nhà trường là xây dựng kế hoạch để cho giáo viên có thể là chuyển từ đơn môn sang đa môn mà có lộ trình từng năm, cũng rất linh hoạt tùy theo từng trường hợp, từng nhà trường".
Theo Minh Hường (VOV1)