Thủ tướng Phạm Minh Chính làm chủ tịch Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo
Ngày 27.2, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định về việc kiện toàn Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2023 - 2026.
Theo quyết định này, Thủ tướng Phạm Minh Chính là chủ tịch Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2023 - 2026. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà là phó chủ tịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: NHẬT BẮC
Các ủy viên thường trực ủy ban bao gồm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Ngoài ra còn có 17 thành viên của ủy ban là lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở trung ương, các hội, hiệp hội liên quan.
Cụ thể gồm: Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Phó chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu.
Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân, nguyên Phó chủ tịch nước - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan.
Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam Vũ Ngọc Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng.
Tổng thư ký ủy ban là ông Nguyễn Sỹ Hiệp, phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Nhất là trong việc chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện, hướng dẫn cơ chế, chính sách có liên quan và tập trung nguồn lực đầu tư để đổi mới giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho đất nước.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về các chủ trương, chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án quốc gia, cơ chế, chính sách, giải pháp có tính chất liên ngành để huy động nguồn lực của toàn xã hội cho việc thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo.
Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, dự án quan trọng có tính liên ngành để tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo, dạy nghề…
(Theo THÀNH CHUNG/TTO)