Ðảm bảo an ninh năng lượng phục vụ phát triển KT-XH
Các chính sách, pháp luật phát triển năng lượng được thực hiện đồng bộ, hiệu quả đã góp phần đáp ứng yêu cầu an ninh năng lượng, phục vụ phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Ðây là đánh giá qua cuộc giám sát chuyên đề do Ðoàn ÐBQH tỉnh thực hiện từ ngày 6 - 9.3 tại một số cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh.
Đầu tư đồng bộ, hiệu quả
Theo báo cáo của UBND tỉnh, thực hiện quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2016 - 2021, đến nay, việc đầu tư phát triển nguồn và lưới điện trên địa bàn tỉnh cơ bản tuân thủ đúng quy hoạch, đảm bảo an ninh năng lượng; đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.
Đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 9 nhà máy thủy điện đang vận hành phát điện, công suất lắp máy gần 159 MW; 3 dự án điện gió, công suất 77,4 MW; 5 dự án điện mặt trời, công suất 415,5 MWp; hệ thống điện mặt trời mái nhà có công suất 228 MWp. Lượng điện sản xuất ra từ các nhà máy thủy điện, điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng được 68,4% sản lượng điện tiêu thụ toàn tỉnh.
Vệ sinh tấm pin điện năng lượng mặt trời tại một nhà máy điện mặt trời trong Khu kinh tế Nhơn Hội.
Theo Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định Thái Minh Châu, Công ty đang quản lý 15 trạm biến áp 110 kV, với tổng dung lượng 849 MVA; 505,16 km đường dây 110 kV, 2.616 km đường dây trung thế, 2.631 trạm biến áp với dung lượng 715.162 kVA; 4.324 km đường dây hạ thế. Năm 2022, sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn toàn tỉnh đạt 2,335 tỷ kWh. Giai đoạn 2016 - 2021, sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 7 - 11%/năm.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết: Tỉnh đã chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016- 2021. Nhờ vậy, hệ thống nguồn, lưới điện trên địa bàn tỉnh được đầu tư kịp thời, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH và phụ tải ngày càng tăng, nhất là hệ thống lưới điện 110 kV và hệ thống lưới điện trung, hạ áp.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thúc Kham, trong giai đoạn 2016 - 2021, công tác quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển điện lực và thẩm định chủ trương đầu tư các dự án phát triển nguồn điện trên địa bàn tỉnh đảm bảo chặt chẽ, đúng theo các trình tự, thủ tục quy định. Đặc biệt, trong giai đoạn này các dự án năng lượng tái tạo được đầu tư mạnh mẽ đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh về gió, mặt trời phục vụ cho sự phát triển KT-XH của tỉnh, bổ sung công suất cho hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Đáng chú ý, các dự án cung cấp điện lưới quốc gia cho người dân vùng sâu, vùng xa được ngành Điện và UBND tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong đó, Dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) được đầu tư từ nguồn vốn vay ODA với số tiền hơn 351 tỷ đồng, đảm bảo cấp điện cho hơn 532 hộ dân được đưa vào sử dụng trong năm 2021. Cũng trong năm này, tỉnh cũng đã ưu tiên bố trí kinh phí để đưa điện lưới quốc gia về 3 làng: Kà Bông, Cát, Chồm của xã Canh Liên (huyện Vân Canh). Các dự án cấp điện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp người dân vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Tháo gỡ vướng mắc, bất cập
Qua kết quả giám sát, việc phát triển năng lượng thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng phụ tải điện không đồng đều giữa các khu vực. Một số địa phương đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng với nhu cầu sử dụng điện tăng nhanh, cục bộ gây ra khó khăn nhất định cho ngành Điện khi triển khai đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện phân phối phục vụ cấp điện.
Đoàn giám sát ĐBQH tỉnh làm việc với UBND tỉnh về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Ảnh: N.HÂN
Bên cạnh đó là vướng mắc từ việc quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) chưa được Chính phủ ban hành. Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát ĐBQH tỉnh vào ngày 9.3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII để làm cơ sở cho tỉnh triển khai thu hút các dự án đầu tư mới; sớm ban hành cơ chế khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong giai đoạn đến.
Tỉnh cũng đề nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ ban hành cơ chế chính sách để thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng năng lượng. Đề nghị Trung ương sớm bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án cấp điện nông thôn, miền núi từ lưới điện quốc gia, nhằm sớm cấp điện lưới quốc gia cho các làng đồng bào dân tộc thiểu số (trên địa bàn tỉnh hiện còn 3 làng chưa có điện lưới quốc gia: Làng Cam của xã Canh Hiệp, làng Canh Tiến của xã Canh Liên (huyện Vân Canh) và làng O2 của xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh)). Bộ Công Thương ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ vốn cho các DN trong việc đổi mới công nghệ, cải tạo trang thiết bị, nhằm giảm suất tiêu hao năng lượng.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh - Trưởng Đoàn giám sát, đã ghi nhận tất cả ý kiến, kiến nghị của UBND tỉnh để hoàn chỉnh báo cáo kết quả giám sát gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng xem xét, giải quyết thời gian đến.
NGUYỄN HÂN