KỶ NIỆM 48 NĂM GIẢI PHÓNG TỈNH BÌNH ÐỊNH (31.3.1975 - 31.3.2023)
Phát triển Quy Nhơn từ lợi thế biển
Với lợi thế rất lớn từ biển, ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Thành ủy Quy Nhơn, nhấn mạnh việc tận dụng lợi thế này để phát triển kinh tế thành phố. Ðây là nhiệm vụ mang tính chiến lược với các mũi nhọn cảng biển - dịch vụ - du lịch.
Bí thư Thành ủy Quy Nhơn Nguyễn Văn Dũng cho biết: Chương trình hành động số 10-CTr/TU của Thành ủy xác định đến năm 2025 phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế - đây là sự khác biệt trong định hướng phát triển kinh tế biển của thành phố.
● Không riêng Quy Nhơn có lợi thế từ biển, vậy thành phố đã và đang phát triển như thế nào để phát huy lợi thế này, thưa ông?
- Quy Nhơn tập trung thực hiện tái cấu trúc mạng lưới phân bố đô thị, thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội, hỗ trợ để hệ thống cảng biển, sân bay, trung tâm logistic... phát triển đồng bộ. Đặc biệt, thành phố tận dụng lợi thế biển để phát triển du lịch - nhất là du lịch sinh thái gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử và điểm du lịch nổi tiếng; xây dựng không gian biển vịnh Quy Nhơn trở thành một điểm đến ấn tượng cho du khách với các sản phẩm du lịch vui chơi giải trí, thể thao biển, ẩm thực và trình diễn nghệ thuật dân gian. Bảo vệ toàn diện các vùng giàu tiềm năng như đầm Thị Nại, vịnh Quy Nhơn, bán đảo Phương Mai - lấy đây làm nền tảng để xây dựng tuyến du lịch đường thủy trên vịnh Quy Nhơn, ven đầm Thị Nại và tạo sinh kế cho người dân; phát triển các loại hình du lịch thể thao, thể thao trên biển, du lịch khoa học… đặc trưng của Quy Nhơn và tỉnh Bình Định.
Mặt khác thành phố cũng xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác phù hợp với điều kiện tự nhiên, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giảm dần tàu thuyền khai thác ven bờ sang hoạt động các ngành nghề khác phù hợp như: Dịch vụ, du lịch giải trí, du lịch sinh thái biển gắn với cộng đồng; giao quyền quản lý cho 4 tổ cộng đồng bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô tại xã Nhơn Hải, Nhơn Châu, Nhơn Lý và phường Ghềnh Ráng theo Luật Thủy sản năm 2017 với diện tích 46,12 ha và 220 thành viên tham gia. Xin lưu ý đây là mô hình đầu tiên của cả nước, được Trung ương đánh giá rất cao.
Cùng với đó sẽ thực hiện chính sách phát triển nghề cá hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá khai thác thủy sản trên vùng biển xa. Quy hoạch, xây dựng, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch về giao thông, xây dựng các kè biển Nhơn Hải, Nhơn Lý, cải tạo các công viên, đầu tư điểm đậu đỗ xe, cầu tàu, bến thuyền phục vụ du lịch…
● Phát triển thành phố từ lợi thế biển nhiều ý kiến đề cập đến một điểm cực kỳ quan trọng đó là đầm Thị Nại…
- Định hướng quy hoạch chung TP Quy Nhơn mở rộng không gian đô thị về hướng Tây Bắc, Đông Bắc và Đông Nam. Trong đó, hướng Đông Bắc có trọng tâm là khu vực đầm Thị Nại, như tôi đã nói ở trên, đây là khu vực giàu tiềm năng, sẽ được bảo vệ toàn diện... Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực phía Đông đầm Thị Nại sẽ biến nơi đây thành trung tâm thu hút các hoạt động giao lưu công cộng và cung cấp không gian dịch vụ cho bán đảo Nhơn Hội. Tối đa hóa khả năng kết nối khu vực ven đầm với các khu đô thị ở phía Tây và phía Đông đầm Thị Nại, thông qua các tuyến giao thông, trục đô thị, cũng như trục cảnh quan và không gian mở. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tổ chức để kết nối liền mạch với các khu vực, giá trị khác để làm phong phú môi trường phát triển du lịch, phát triển du lịch sinh thái ven đầm.
TP Quy Nhơn xây dựng không gian biển vịnh Quy Nhơn trở thành điểm đến ấn tượng với các sản phẩm du lịch vui chơi giải trí, thể thao biển… Ảnh: NGUYỄN DŨNG
● Vậy thành phố đã có những giải pháp nào cho thời gian tới, thưa ông?
- Thành phố đề xuất tỉnh phát triển Cảng Quy Nhơn theo hướng mở rộng cảng đang có, kết nối tốt với các cảng nội địa và hệ thống đường bộ, đường sắt, mạng lưới giao thông ngày càng hoàn thiện tốt hơn trên địa bàn tỉnh. Những kết nối đó sẽ biến Quy Nhơn thành nơi cung cấp dịch vụ cảng đa dạng, phong phú và hiệu quả khác hẳn so với các cảng khác trong khu vực.
Quy Nhơn có lợi thế lớn để phát triển kinh tế biển với việc phát triển Cảng Quy Nhơn và kết nối các cảng nội địa, dịch vụ cung cấp logistic. Ảnh: DNCC
Trước mắt thành phố chú trọng quy hoạch, xây dựng và hình thành 4 điểm du lịch cộng đồng tại các làng chài xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu, Bãi Xép và hoạt động du lịch đầm Thị Nại. Triển khai thực hiện có hiệu quả đồ án quy hoạch không gian vịnh Quy Nhơn, công viên biển Xuân Diệu, bảo tồn và phát triển du lịch bền vững khu vực làng chài xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu. Đặc biệt, chúng tôi rất quan tâm quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố, xác định “thương hiệu” hệ giá trị, những điểm mạnh, những khu vực cần bảo tồn, những lĩnh vực cần đột phá, gắn với mở rộng không gian đô thị để đưa Quy Nhơn trở thành điểm đến mang tầm vóc khu vực và quốc tế trong tương lai.
● Xin cảm ơn ông!
MAI HOÀNG (Thực hiện)