Kỳ vọng đón du khách phía Bắc
Chuyến famtrip do Hiệp hội Du lịch Bình Ðịnh tổ chức trong 2 ngày 27 và 28.3 để lại ấn tượng mạnh với các DN kinh doanh dịch vụ du lịch 8 tỉnh, thành phía Bắc. Qua đó, mở ra cơ hội lớn để Bình Ðịnh đón thêm lượng khách từ các tỉnh, thành khu vực này.
Trong 2 ngày, đại diện Hiệp hội Du lịch cùng gần 150 DN kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành đến từ 8 tỉnh, thành phía Bắc, gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Quảng Bình, Nam Định đã được tham quan các điểm du lịch nổi tiếng của Bình Định như: Bảo tàng Quang Trung, chùa Thiên Hưng, Trung tâm Khám phá khoa học Quy Nhơn, khu du lịch Kỳ Co…
Đại diện Hiệp hội Du lịch cùng các DN kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành đến từ 8 tỉnh, thành phía Bắc rất ấn tượng khi được xem biểu diễn võ thuật tại chùa Long Phước. Ảnh: LÊ NA
Tại hội thảo du lịch chủ đề Gặp gỡ Quy Nhơn “Hợp tác - Phát triển - Thịnh vượng” diễn ra sau đó, nhiều ý kiến đánh giá rất cao tài nguyên du lịch sẵn có của Bình Định. Theo đó, Bình Định có đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch và xứng đáng trở thành là trung tâm du lịch của cả nước. Ngoài “thiên đường biển đảo Quy Nhơn”, khách đến Bình Định không chỉ thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên mà còn biết thêm giá trị văn hóa lịch sử, nghệ thuật tuồng, biểu diễn võ thuật… Đây đều là những sản phẩm du lịch độc đáo, thực sự hấp dẫn du khách.
Bà Lê Thị Thêm, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh, rất ấn tượng khi được xem biểu diễn võ thuật tại chùa Long Phước (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước): “Tôi từng được nghe nói về võ cổ truyền Bình Định, nhưng ở đợt famtrip này mới được trực tiếp xem các võ sinh biểu diễn. Có thể nói rất hào hùng và ấn tượng. Bên cạnh đó, nghệ thuật tuồng cũng rất đặc sắc, có thể đưa vào các tour giới thiệu với du khách. Tôi sẽ xin thông tin về các loại hình nghệ thuật này để đăng trên các trang của DN, Hiệp hội Du lịch các tỉnh và cá nhân tôi để truyền thông cho nhiều người biết và đến Bình Định trải nghiệm”.
Trong khi đó, ông Vũ Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Bình, chia sẻ: “Qua đợt famtrip này, chúng tôi ghi nhận được rất nhiều thành công trong việc khảo sát, đánh giá. Nhờ đó mà nhiều người hiểu được sản phẩm du lịch ở Bình Định phong phú như thế nào. Bên cạnh những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa thì các loại hình nghệ thuật được giới thiệu cũng rất ấn tượng. Du khách rất ít khi được tiếp cận với các loại hình nghệ thuật như tuồng, bài chòi, nên việc Bình Định đưa các loại hình nghệ thuật này vào trong các tour tôi cho rằng rất hay”.
Vẻ đẹp của “Thiên đường biển Quy Nhơn” được đại diện các DN đánh giá cao.
- Trong ảnh: Du khách tắm biển tại khu du lịch Kỳ Co. Ảnh: LÊ NA
Bên cạnh đó, hội thảo cũng ghi nhận nhiều góp ý thẳng thắn nhằm đưa du lịch Bình Định phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đó là ngoài trải nghiệm các điểm đến, các DN mong muốn Bình Định có những khu trung tâm trưng bày các sản phẩm OCOP để du khách mua sắm làm quà sau chuyến du lịch tại địa phương. Để thuận tiện cho du khách, các DN lữ hành 8 tỉnh phía Bắc đề nghị tỉnh làm việc với các hãng hàng không, điều chỉnh giờ bay đến Bình Định; việc bố trí tour, tuyến cũng hợp lý hơn. Một số ý kiến tập trung vào công tác quảng bá, đẩy mạnh xúc tiến các điểm đến, cần đầu tư đường giao thông đến các điểm tham quan du lịch tại các điểm như chùa Bà - Nước Mặn; quan tâm đến khâu vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá: “Sau đại dịch Covid-19, Bình Định đã trở lại với một tâm thế chủ động, chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Du lịch Bình Định đang tiếp cận theo một hướng mới, sàng lọc những bài học kinh nghiệm từ các tỉnh thành khác để chất lượng hơn. Đặc biệt, những sản phẩm du lịch của Bình Định tạo được sức hút, có sự khác biệt và có giá trị cao. Tôi thấy rằng cách tiếp cận đó giúp du lịch Bình Định có hướng đi phù hợp với xu hướng đảm bảo bền vững, chất lượng, mang lại sức khỏe về tinh thần, thể chất cho du khách. Những tài nguyên thì Bình Định có sẵn, nhưng sự kết nối, nhào nặn để tạo nên những giá trị hấp dẫn đòi hỏi sự đầu tư sáng tạo và vai trò “bà đỡ” của chính quyền. Qua đó kết nối để tạo thành những chuỗi sản phẩm có giá trị”.
LÊ NA