Dai dẳng nạn tảo hôn
Vấn nạn tảo hôn vẫn tồn tại dai dẳng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để lại nhiều hệ lụy xấu cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh cũng như chất lượng dân số, nguồn nhân lực.
Những câu chuyện buồn
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều trường hợp kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định. Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh, huyện Vĩnh Thạnh và Vân Canh là những địa phương có tỷ lệ tảo hôn tăng cao. Năm 2022, hai địa phương này có 36 trường hợp tảo hôn; riêng 3 tháng đầu năm 2023, hai huyện lại có thêm 6 trường hợp tương tự.
Theo chân cán bộ Phòng Dân tộc huyện Vân Canh, chúng tôi đến gặp một cặp tảo hôn mới làm đám cưới cách đây gần 2 tháng là Đ.T.U.L. (dân tộc Bana, SN 2007, ở thị trấn Vân Canh) và Đ.V.N (dân tộc Chăm, SN 2002, ở xã Canh Hòa). L. bỏ học từ năm lớp 8, khi chưa lấy chồng, em chỉ ở nhà phụ giúp công việc nhà, chăm sóc em; sau này quen chồng thông qua mạng xã hội rồi đi đến hôn nhân. Người chồng đang làm công nhân may tại TP Hồ Chí Minh; cuộc sống của L. vẫn phải phụ thuộc vào cha mẹ.
Cán bộ Phòng Dân tộc huyện Vân Canh (giữa) tìm hiểu thông tin về trường hợp tảo hôn của Đ.T.U.L. Ảnh: C.H
L. cho hay, từ ngày lấy chồng, em chỉ quanh quẩn ở “xó nhà”, cha mẹ hai bên nhờ gì thì làm nấy, hiện chưa có định hướng gì cho tương lai, vì em vẫn còn trong độ tuổi vị thành niên. “Em rất buồn và cảm thấy hối hận khi bước chân vào cuộc sống hôn nhân từ quá sớm”, L. bộc bạch.
Ông M.V.L. (dân tộc Chăm, SN 1978, cha em L.) chia sẻ, khi nghe con bỏ học và đòi lấy chồng sớm, gia đình ông phản đối quyết liệt, nhưng đôi trẻ vẫn khăng khăng và tìm đủ mọi cách để lấy nhau; gia đình đành bất lực và chiều ý cho làm đám cưới. “Gia đình tôi đang động viên con cố găng vượt qua mặc cảm, tự ti, vận động con tiếp tục đến trường đi học tiếp, có tương lai tốt hơn”, ông L. cho hay.
Một cán bộ Phòng Dân tộc huyện Vân Canh cho biết, những trường hợp tảo hôn thường tổ chức đám cưới xong, người dân cung cấp thông tin thì cán bộ mới biết. Có trường hợp đang tổ chức đám cưới, chính quyền, cán bộ Phòng Dân tộc và người có uy tín đến tuyên truyền, vận động, họ dừng dám cưới nhưng vẫn về ở với nhau. “Đáng nói hơn, có những trường hợp tảo hôn khác khi cán bộ, người có uy tín đến vận động thì đôi trẻ “dọa” đòi tự tử, hoặc cha mẹ không can ngăn mà còn ủng hộ con. Vì vậy, công tác tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn”, vị cán bộ này cho hay.
Quyết tâm đẩy lùi nạn tảo hôn
Theo Trưởng Phòng Dân tộc huyện Vân Canh Sô Lan Tài, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn tăng cao tại địa phương là một số em đi học ở các trường nội, bán trú ở huyện, tỉnh, thiếu sự quan tâm và giáo dục của gia đình. Mặt khác, một số em đang trong độ tuổi đi học lại ham chơi, lười học, dẫn đến học yếu, chán nản và bỏ học giữa chừng về nhà lao động, tạo lập gia đình sớm…
Để ngăn chặn và đẩy lùi nạn tảo hôn, Phòng Dân tộc huyện thời gian đến sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để từng bước giúp người dân, học sinh nhận thức được hậu quả của tảo hôn. Mặt khác, Phòng cũng đề nghị các trường tiểu học, THCS và THPT đưa nội dung tuyên truyền phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào các buổi học, sinh hoạt ngoại khóa để các em hiểu biết và nhận thức được tác hại, hậu quả của việc tảo hôn, từ đó từng bước giảm thiểu tình trạng này.
“Nhà nước cũng cần xây dựng chế tài đủ mạnh để răn đe các trường hợp vi phạm, nêu gương cho cộng đồng. Bởi trên thực tế, vì nhiều lý do, chính quyền sở tại vẫn còn phớt lờ hoặc dễ dãi với người vi phạm, tạo ra tâm lý xem nhẹ pháp luật trong một bộ phận người dân”, ông Tài kiến nghị.
Ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết thời gian tới, UBND huyện sẽ đẩy mạnh phát triển KT-XH, xây dựng cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục… trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tiếp tục chỉ đạo các cấp chính quyền, hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động đội ngũ thanh, thiếu niên thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Thành lập các điểm tư vấn hôn nhân; hướng dẫn thôn, làng, khu phố xây dựng hương ước, quy ước ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phát huy vai trò của người có uy tín để làm tốt hơn công tác ngăn ngừa, tuyên truyền và vận động ở địa phương với quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi đi đến không còn tình trạng tảo hôn.
CHƯƠNG HIẾU