Quy định thu gom, lưu trữ, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế: Tiến đến hoàn thiện hơn
UBND tỉnh vừa ban hành Quy định hoạt động thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh. Theo ghi nhận tại một số cơ sở y tế, quy định này không có nhiều thay đổi so với những gì đang thực hiện, nhưng một số điểm mới phù hợp hơn với địa phương, khuyến khích bảo vệ môi trường, quy chuẩn rõ ràng dễ thực hiện.
Nói về công tác phân loại, lưu giữ, vận chuyển, xử lý rác thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh, ông Trần Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), cho biết: Thực ra, đối với lĩnh vực y tế, thời gian qua, riêng công tác quản lý chất thải rắn, các cơ sở y tế ở tỉnh ta đã thực hiện rất tốt. Công tác tổ chức thu gom, phân loại đã triển khai theo tinh thần Thông tư số 20/2021/TT-BYT của Bộ Y tế, tức là trong khuôn viên cơ sở họ thực hiện rất tốt, đã ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom chất thải nguy hại là Công ty TNHH Thương mại và Môi trường Hậu Sanh (TP Quy Nhơn). Chúng tôi theo dõi, thống kê số liệu này rất chặt chẽ.
Phân loại rác thải tại Khoa Hồi sức cấp cứu, TTYT TP Quy Nhơn. Ảnh: T. YÊN
Tại TTYT TP Quy Nhơn, một trong những cơ sở y tế có đông bệnh nhân của tỉnh, công tác phân loại, lưu giữ rác thải được thực hiện tốt, chặt chẽ. Bác sĩ Trần Thị Hồng Phấn, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn và dinh dưỡng, TTYT TP Quy Nhơn, chia sẻ: Chất thải rắn sinh hoạt thông thường, chúng tôi hợp đồng với Công ty CP môi trường Bình Định lấy để chuyển đi xử lý 3 lần/tuần; chất thải rắn thông thường có thể tái chế thì hợp đồng với hộ kinh doanh đủ tư cách pháp nhân, có năng lực xử lý. Việc thu gom tại nguồn - tại các khoa, phòng, ít nhất 2 lần/ ngày rác được vận chuyển từ phòng bệnh xuống nhà rác; thùng vận chuyển, quy trình vận chuyển đảm bảo theo quy định. Còn đối với chất thải có nguy cơ lây nhiễm sẽ do Công ty TNHH Thương mại và Môi trường Hậu Sanh lấy lúc 15 giờ hằng ngày. Còn 1 mảng nữa là ở 21 trạm y tế và phòng khám đa khoa cũng hợp đồng với các đơn vị để thu gom. Quy định mới của tỉnh không thay đổi gì nhiều so với Thông tư 20, nhưng nó hướng dẫn cụ thể, phù hợp hơn với tình hình, điều kiện địa phương, phù hợp với các địa bàn xa dân cư về tần suất thu gom.
“Ngoài quy định chung, để tăng cường truyền thông, TTYT TP Quy Nhơn cũng đặt các chậu cây cảnh ở vị trí hành lang phòng khám có gắn thông điệp truyền thông, ví dụ như “Giảm rác thải nhựa bảo vệ môi trường”; các đoàn viên của TTYT TP Quy Nhơn làm một ngôi nhà thu rác tái chế chai nhựa và kim loại. Số tiền này các đoàn viên thanh niên sẽ mua cây về tặng tiếp”, bác sĩ Phấn chia sẻ thêm.
Đối với hệ thống bệnh viện tư nhân, việc thu gom, phân loại rác thải cũng được thực hiện nghiêm túc. Điều dưỡng CKI Phạm Thị Hương Lan, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Bình Định, cho biết: Theo Thông tư 20 của Bộ Y tế, Bệnh viện Bình Định cũng phân thành rác thải thông thường (rác thải tái chế và không tái chế), nguy hại (lây nhiễm và không lây nhiễm). Đối với rác thải thông thường, Bệnh viện ký hợp đồng với Công ty CP Môi trường Bình Định thu gom hằng ngày. Đối với chất thải nguy hại lây nhiễm thì ký hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại và Môi trường Hậu Sanh; đối với chất thải nguy hại không lây nhiễm, Bệnh viện sẽ lưu, không quá 1 năm nếu lượng đủ nhiều thì Công ty TNHH Thương mại và Môi trường Hậu Sanh sẽ thu gom.
Về việc triển khai quy định hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh Bình Định do UBND tỉnh vừa ban hành, ông Trần Đình Trung chia sẻ thêm: Quy định này là sự tổng hòa của Thông tư số 20/2021/TT-BYT của Bộ Y tế và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT của Bộ TN&MT. Điểm mới của quy định là đơn vị thực hiện tiếp nhận chất thải y tế thông thường đó phải đồng bộ từ khâu thu gom - vận chuyển - xử lý. Điều này, chúng tôi sẽ hướng dẫn các cơ sở tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, sẽ phối hợp với ngành Y tế hướng dẫn từ trang thiết bị, thời gian vận chuyển, hồ sơ biểu mẫu...
ÐỖ THẢO