Dẹp nạn lấn chiếm hành lang an toàn tuyến đê khu Ðông
Đê khu Đông đoạn qua địa bàn các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng (thuộc huyện Tuy Phước) có chiều dài 27 km. Đây là tuyến đê xung yếu, có nhiệm vụ quan trọng trong việc ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu thoát lũ, bảo vệ an toàn cho hàng nghìn hộ dân và bảo vệ đất sản xuất, nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, thời gian qua, công tác quản lý của chính quyền địa phương còn thiếu chặt chẽ nên đã xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm hành lang tuyến đê để xây dựng chuồng trại chăn nuôi, nơi để dụng cụ, phương tiện nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Thậm chí có nhiều trường hợp lấn chiếm hành lang đê để xây dựng nhà cửa kiên cố. Tình trạng này không chỉ đe dọa sự an toàn của tuyến đê mà còn làm mất ANTT tại địa phương, gây bức xúc trong nhân dân.
Một công trình xây dựng vi phạm hành lang tuyến đê khu Đông trên địa bàn xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước. Ảnh: N.H
Theo UBND huyện Tuy Phước, từ năm 2014 đến cuối năm 2022, trên chiều dài toàn tuyến đê khu Đông qua địa bàn huyện đã phát hiện 96 trường hợp vi phạm xây dựng công trình trong hành lang tuyến đê. Trong đó, địa bàn xã Phước Sơn có 45 trường hợp, Phước Thuận 27 trường hợp, Phước Hòa 15 trường hợp và Phước Thắng 9 trường hợp.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Trong năm 2022, Tổ công tác liên ngành của huyện đã xử lý buộc tháo dỡ 31 trường hợp vi phạm. Trong đó, xã Phước Sơn đã xử lý 11 trường hợp, Phước Hòa 9 trường hợp, Phước Thắng 7 trường hợp, Phước Thuận 4 trường hợp. Còn lại 65 trường hợp, huyện đang quyết liệt chỉ đạo chính quyền các xã củng cố hồ sơ để tiếp tục xử lý.
“UBND huyện đã chỉ đạo các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng xây dựng phương án cưỡng chế và phân kỳ xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Trước mắt, xử lý các trường hợp đã đổ đất san lấp mặt bằng, các trường hợp xây dựng nhà ở, công trình chăn nuôi làm ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ gần các vị trí cống, tràn trên đê”, ông Xuân cho biết.
Ông Nguyễn Minh Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, cho hay: Trong số 34 trường hợp vi phạm hành lang đê Đông trên địa bàn, đến nay, xã đã củng cố hồ sơ, phân kỳ xử lý đợt đầu đối với 17 hộ. “UBND xã đã ra quyết định cưỡng chế và tống đạt quyết định đến từng hộ buộc khắc phục hậu quả. Nếu các hộ không tự giác tháo dỡ công trình, ngay sau lễ 30.4 và 1.5 tới, xã sẽ ra quân cưỡng chế”, ông Thiện nhấn mạnh.
Còn ông Huỳnh Thanh Vương, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, cho biết, hầu hết các công trình vi phạm hành lang tuyến đê Đông qua địa bàn xã tập trung trên địa bàn thôn Kim Đông và Tân Giản, chủ yếu để xây dựng chuồng trại chăn nuôi vịt. Đến nay, trong tổng số 15 trường hợp vi phạm đã có 14 hộ tự giác tháo dỡ công trình, chỉ còn 1 trường hợp chưa tự giác. UBND xã đang tập trung vận động tự tháo dỡ, đồng thời củng cố hồ sơ để tiến hành cưỡng chế nếu hộ vi phạm không chấp hành.
Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, huyện Tuy Phước cương quyết xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm hành lang an toàn tuyến đê Đông trong năm 2023 này. Cùng với đó, để quản lý tốt hành lang tuyến đê, UBND huyện sẽ xây dựng quy chế phối hợp với Sở NN&PTNT theo các quy định hiện hành. Đặc biệt là thực hiện nghiêm nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy lợi, đê điều và phòng chống thiên tai. Tăng cường trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong việc thường xuyên phối hợp với Trạm Quản lý đê Hà Thanh thuộc Chi cục Thủy lợi kiểm tra, quản lý hành lang tuyến đê, đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao hiểu biết pháp luật của nhân dân về bảo vệ công trình đê xung yếu…
N. HÂN