Lòng hồ Tà Niêng bị bồi lấp, đất sản xuất “khát” nước tưới
31 ha lúa nước sản xuất 2 vụ của người dân xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh) phải chuyển sang 1 vụ bởi hồ chứa nước Tà Niêng bị bồi lấp, không đảm bảo nguồn nước tưới.
Công trình hồ chứa nước Tà Niêng được đưa vào sử dụng từ năm 2004; dung tích thiết kế chứa gần 655 nghìn m3, có nhiệm vụ tưới cho khoảng 100 ha/vụ. Qua gần 20 năm sử dụng, lòng hồ Tà Niêng đã bị bồi lấp khá nhiều, làm giảm đáng kể dung tích hồ chứa, gây thiếu hụt nguồn nước tưới. Đồng thời, một số hạng mục của hồ Tà Niêng bị bồi lấp nên khả năng tích nước vào mùa mưa là không nhiều. Thiếu nước tưới nên nhiều diện tích đất sản xuất lúa của xã Vĩnh Thuận chỉ trồng được 1 vụ lúa Đông Xuân, thời gian còn lại phải chuyển sang sản xuất tập trung và chỉ phù hợp với cây trồng cạn. Tuy vậy, việc canh tác này cũng không dễ dàng, chủ yếu vẫn dựa vào “nước trời”.
Lòng hồ Tà Niêng bị bồi lấp, giảm đáng kể dung tích hồ chứa; một số hạng mục xuống cấp, nằm chỏng chơ phơi nắng mưa (ảnh nhỏ). Ảnh: H.P
Được biết, năm 2013 và 2017, các ngành chức năng đã tổ chức nạo vét lòng hồ Tà Niêng nhưng sau đó hồ tiếp tục bị bồi lấp trở lại. Năm 2018, UBND tỉnh cho chủ trương nạo vét lòng hồ theo hình thức xã hội hóa nhưng chưa có nhà đầu tư đăng ký tham gia.
Lý giải về nguyên nhân hồ Tà Niêng bị bồi lấp, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Đắc Chương cho biết: Lưu vực hứng nước của hồ Tà Niêng có một phần diện tích của tỉnh Gia Lai là đất sản xuất nông nghiệp, thảm phủ thực vật vào mùa mưa không tốt đã gây bồi lấp lòng hồ. “Các ngành chức năng đã nhiều lần tổ chức nạo vét, nhưng không giải quyết dứt điểm được tình trạng bồi lấp. Nếu tiếp tục thực hiện sẽ rất lãng phí tiền của. Cần bổ sung nguồn cung cấp nước tưới cho một phần diện tích đất sản xuất lúa ở Vĩnh Thuận, bên cạnh lượng nước tích được tại hồ Tà Niêng”, ông Chương nói.
Trên cơ sở tham mưu của Sở NN&PTNT, năm 2021, UBND tỉnh đã có văn bản về việc một số nội dung liên quan đến dự án cải tạo lòng hồ Tà Niêng. Theo đó, UBND tỉnh giao UBND huyện Vĩnh Thạnh lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án Bổ sung nguồn nước cho khu tưới Tà Niêng từ suối Xem để bảo đảm tưới cho 31 ha đất canh tác.
Theo Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Bùi Tấn Thành, việc cải tạo lòng hồ Tà Niêng là vấn đề khó, địa phương chưa tìm ra phương án hữu hiệu để thực hiện. “Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi đã khảo sát thực tế, tuy nhiên suối Xem vào mùa khô cũng cạn, không thể đủ nước để bổ sung cho hồ Tà Niêng. Còn phương án làm kênh dẫn nước từ hệ thống kênh tưới hồ Định Bình nếu triển khai cũng sẽ không mang lại hiệu quả, bởi khu vực cấp nước có cao trình thấp hơn phía hồ Tà Niêng, tốn nhiều kinh phí để xây dựng trạm bơm chuyển tiếp. Vì vậy, đối với 31 ha đất sản xuất lúa tại Vĩnh Thuận, phương án khả dĩ nhất hiện nay vẫn là chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trong vụ Hè Thu”.
Đời sống người dân xã Vĩnh Thuận chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, không có nguồn nước tưới ổn định sẽ rất khó khăn. Vì vậy, các ngành chức năng cần sớm có phương án khả dĩ nhất để giải quyết vấn đề này, đảm bảo ổn định cho cuộc sống của người dân địa phương.
HỒNG PHÚC