Anh Sang phát triển nghề làm bánh tráng
Sau hơn 2 năm đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất bánh tráng, đến nay cơ sở sản xuất bánh tráng của anh Mai Văn Sang, ở thôn Trung Thành 1, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ đã có sản phẩm chất lượng cao, ổn định, được người tiêu dùng tín nhiệm. Nhờ đó, cơ sở của anh đã tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương với thu nhập khá.
Dây chuyền sản xuất bánh tráng tự động của gia đình anh Mai Văn Sang.
Xã Mỹ Quang từ lâu nổi tiếng với nghề làm bánh tráng, tuy nhiên hầu hết cơ sở đều sản xuất thủ công. Năm 2021, anh Mai Văn Sang đầu tư gần 1 tỷ đồng lắp đặt máy làm bánh tráng. Anh Sang cho biết, làm bánh tráng thủ công nhìn thì đơn giản nhưng người tráng bánh phải quen tay thì chiếc bánh tráng mới tròn, độ mỏng dày ổn định, trăm chiếc như một. Nay với dây chuyền sản xuất, các công đoạn từ xay bột cho đến tráng bánh đều được tự động hóa, mình chỉ đem bánh đi phơi. Nhờ có máy, mỗi ngày cơ sở của tôi sử dụng gần 300 kg gạo, 120 kg bột mì, 12 kg mè để tráng bánh và cho ra gần 10.000 chiếc bánh tráng các loại với chất lượng cao.
Hiện nay, cơ sở sản xuất bánh tráng của anh Sang tạo việc làm cho 6 lao động địa phương với thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Anh Sang cho biết, đã lắp đặt xong một dây chuyền sản xuất bánh tráng nữa, nhưng chưa đưa vào vận hành được vì còn thiếu sân phơi. Tới đây, khi thuê được mặt bằng để phơi bánh, với dây chuyền sản xuất mới, cơ sở sẽ còn tạo thêm nhiều việc làm hơn cho bà con.
Ông Trần Đình Văn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Quang, chia sẻ: Bánh tráng thì nhiều nơi làm nhưng chất lượng sản phẩm của cơ sở anh Sang có nhiều điểm vượt trội. Vì vậy, Hội Nông dân đang phối hợp, hỗ trợ anh chuẩn bị các điều kiện để đăng ký nhãn hiệu, phát triển nghề làm bánh tráng và đa dạng hóa sản phẩm theo hướng hiện đại, bền vững.
VĂN TỐ