Anh hùng Mai Xuân Thưởng không nộp mình cho giặc !
Ðến nay, trong nhiều tài liệu vẫn còn lưu truyền giai thoại anh hùng Mai Xuân Thưởng (1860 - 1887) từng tự nộp mình, đầu hàng giặc Pháp để cứu dân làng và mẹ. Ðây chỉ là sản phẩm hư cấu, cho dù câu chuyện này được nhiều người truyền tụng như một giai thoại đẹp về Mai nguyên soái, một người anh hùng, nghĩa hiệp xả thân vì đồng bào và mẹ phải nộp mình cho giặc. Sự thật hoàn toàn không phải vậy.
Anh hùng Mai Xuân Thưởng là thủ lĩnh Cần Vương ở mặt trận phía Nam Trung Bộ, hành trạng của ông mới đây đã được làm rõ qua chuyên khảo “Anh hùng Mai Xuân Thưởng (1859 - 1887) với phong trào Cần Vương Nam Trung Kỳ qua tài liệu lưu trữ” trên Tạp chí Xưa và Nay, tháng 3.2023. Từ những tài liệu mới, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã xác định anh hùng Mai Xuân Thưởng không hề đầu hàng kẻ thù, hơn nữa khẳng định ông là “thủ lĩnh tối cao của phong trào Cần Vương phía Nam Trung Kỳ từ Quảng Nam đến Bình Thuận”.
Di tích lịch sử Lăng Mai Xuân Thưởng ở huyện Tây Sơn. Ảnh: ĐINH NGỌC
Để tiêu diệt đội quân do Mai Xuân Thưởng lãnh đạo, Thuận Khánh tổng đốc Trần Bá Lộc cùng quân Pháp đã ngày đêm truy đuổi và đến ngày 6.5.1887 mới bắt được Mai Nguyên soái. Đến ngày 7.6.1887, chúng giết hại người anh hùng và thảm sát nhiều thủ lĩnh phong trào Cần Vương tại Bình Định. Tờ Le XIXe siècle (Thế kỷ XIX) năm 1887 mô tả chi tiết sự kiện này! Sự hy sinh của Mai Xuân Thưởng cùng nhiều chiến tướng quan trọng như Bùi Điền, Mai Xuân Quang… đã đặt dấu chấm hết cho phong trào Cần Vương tại Nam Trung Bộ. Trong quãng thời gian sau đó, triều đình và thực dân Pháp đã trả thù rất tàn khốc các nghĩa quân tham gia phong trào Cần Vương, không chỉ sát hại các thủ lĩnh phong trào, chúng còn truy sát các nghĩa quân từng tham gia phong trào tại Bình Định trong nhiều năm sau đó.
Anh hùng Mai Xuân Thưởng không hề tự nộp mình, thậm chí ông không hề lẩn tránh mà còn dũng cảm đối đầu với chúng. Nhà báo Saint-Rodde viết trên báo Le XIXe siècle - “Mai Xuân Thưởng không muốn đầu hàng, cũng không muốn đến lánh nạn ở những ngôi làng nói trên. Với một tầm nhìn cao cả xứng đáng để chúng ta ngưỡng mộ, anh ta đã cân nhắc, và anh ta thường nói với tôi như vậy, rằng các thủ lĩnh cấp dưới có thể đầu hàng. Chính anh ta đã khuyên họ hãy quy hàng trong những ngày cuối cùng, nhưng anh ta, đại diện tối cao của chính nghĩa, anh ta phải chiến thắng hoặc bị bắt.
Và như đã biết, người anh hùng đã bị bắt vào ngày 6.5.1887 “ở chỗ của người Chàm và cách Phú Phong, quê quán của ông 3 ngày đường”. Tại sao lại có thông tin cho là ông nộp mình cứu mẹ và dân làng? Có một số ý kiến cho rằng đó là kết quả của phe Trần Bá Lộc khi bắt được Mai Xuân Thưởng đã “phao tin Mai Xuân Thưởng ra hàng để hạ uy tín của ông”, tuy nhiên đó vẫn chỉ là một giả thuyết.
Có một thông tin khá sớm đề cập đến việc Mai Xuân Thưởng ra hàng nhằm cứu mẹ được mô tả trên tờ L’Écho annamite (Tiếng vọng của người An Nam, 1927), nằm trong câu chuyện của chí sĩ Đồng Sĩ Bình (1904 - 1932) đến viếng đền thờ Mai Xuân Thưởng tại Bình Khê vào năm 1926. “Trần Bá Lộc lúc đó là Tổng đốc tỉnh. Các phái viên mật, nhận được mệnh lệnh chính xác từ ông ta và được ông ta cử đến Bình Khê, đã thành công trong việc thuyết phục mẹ của Mai Xuân Thưởng đi theo chúng, mà theo như chúng nói là đến gặp con trai của bà. Vì không nghi ngờ gì nên mẹ của Mai Xuân Thưởng đã bị bắt giữ làm con tin. Vì chữ hiếu, vị chỉ huy quân sự anh dũng này đã giao nộp thanh kiếm của mình cho Tổng đốc Qui Nhơn”. Có lẽ từ những trang báo này mà về sau Quách Tấn (1967) cũng như Đặng Quý Địch (1971) diễn giải lại câu chuyện trong các tác phẩm của mình.
Cụ thể trong tác phẩm Non nước Bình Định (1967) của Quách Tấn có đoạn “Nhưng rồi Trần Bá Lộc hạ độc thủ, lớp thảm sát lương dân; sanh cầm Mai mẫu, lớp truyền lệnh cho lý hương các thôn ở Bình Khê nếu trong vòng một tháng không tìm được Nguyên Soái thì sẽ bị chôn sống hết. Để cứu nạn cho Nhân dân và mẹ già, nguyên soái phải ra chịu chết”. Ít lâu sau nhà biên khảo Đặng Quý Địch cũng mô tả tương tự trong sách Nhân vật Bình Định (1971). “… ông quyết định hy sinh tính mạng để cứu sống mọi người… Một ngày trong tháng Tư nhuận năm Đinh Hợi (1887), ông ra nộp mình cho giặc tại đình Phú Phong…”. Và thông tin này về sau được truyền tụng như một hành động anh hùng của người anh hùng Mai Xuân Thưởng, tự nộp mình để cứu mẹ và dân làng.
Với những tư liệu, thông tin khoa học vừa cập nhật, ta đã xác định được người anh hùng chưa bao giờ đầu hàng quân giặc, thậm chí khi bị truy đuổi ông còn hiên ngang đối diện với chúng mà không hề chạy trốn như giai thoại lâu nay vẫn truyền tụng. Đất trời Bình Định luôn sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, mà trong đó anh hùng Mai Xuân Thưởng là một trong những cá nhân kiệt xuất. Ông xứng đáng lưu danh cùng năm tháng với tinh thần yêu nước nồng nàn, chống giặc ngoại xâm quyết liệt và đề cao tinh thần vì nước quên thân. Và có lẽ ta cần đính chính giai thoại “Mai Xuân Thưởng đầu hàng” để làm rõ ràng hơn cuộc đời của ông, hơn nữa cái cách mà người anh hùng đối diện với kẻ thù rất can trường, lẫm liệt.
VÕ NGUYÊN PHONG