Chiến trường Bình Định và những mốc son trên hành trình Thống nhất
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là kết quả của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Hành trình đến ngày thống nhất ghi dấu những chiến công rạng rỡ khắp nơi; trong đó có những mốc son trên chiến trường Bình Định suốt 21 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ.
CHIẾN THẮNG AN LÃO - CHIẾN THẮNG ĐẦU TIÊN Ở MIỀN TRUNG TRUNG BỘ
Đầu tháng 12.1964, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định mở chiến dịch tấn công giải phóng An Lão. Tham gia chiến dịch có bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Cùng với đó là sự ủng hộ quan trọng của quần chúng về sức người, sức của. Theo kế hoạch ban đầu, chiến dịch sẽ diễn ra trong 5 - 7 ngày, nhưng thực tế chỉ diễn ra trong 2 ngày đêm thần tốc (ngày 7 và 8.12).
Chiến dịch giải phóng huyện An Lão trải qua 3 bước. Bước 1, ta tiêu diệt 3 cứ điểm, 8 chốt ấp chiến lược; bao vây chi khu quận lỵ An Lão. Đến 1 giờ 5 phút ngày 7.12, các mũi tiến công đồng loạt nổ súng như vũ bão, chỉ trong một đêm đã tiêu diệt toàn bộ các cứ điểm, điểm chốt; truy bắt tàn quân, tề điệp, ác ôn, làm chủ toàn bộ thung lũng An Lão (trừ quận lỵ); hoàn thành một bước nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai lực lượng đánh quân chi viện.
Bước 2, ta đánh quân tiếp viện bằng đường không, tiếp tục truy lùng bọn tàn quân. Đến 9 giờ 30 phút, quân ta đã truy lùng, bắt gần 200 tên, buộc địch phải cứu viện bằng đường bộ.
Bước cuối cùng là đánh quân tiếp viện bằng đường bộ, kết thúc chiến dịch.
Tối 8.12, Bộ Tư lệnh mặt trận họp, soát xét tình hình tác chiến trong hai ngày qua và quyết định kết thúc chiến dịch. Thế trận chiến tranh nhân dân ngày càng mở rộng, gọng kìm bao vây ngày càng siết chặt. Những ngày sau, địch mở thêm vài đợt càn quét yếu ớt, lấy lệ rồi chấm dứt hẳn.
Chiến thắng An Lão gắn liền với sự ra đời và truyền thống vẻ vang của nhiều đơn vị chủ lực của Quân đội ta, đặc biệt là Trung đoàn 2 An Lão anh hùng. Thay mặt cho Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Trung ương Cục Lê Duẩn gửi thư khen cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 2. Đồng thời khẳng định: “Chiến thắng An Lão phối hợp kịp thời với chiến thắng Bình Giã và phong trào chiến tranh du kích toàn miền Nam đã đẩy ngụy quân, ngụy quyền vào nguy cơ bị tan rã, đưa chiến tranh du kích tiến lên một bước mạnh mẽ. Đối với Khu 5, chiến thắng An Lão đánh dấu một bước chuyển biến mới”.
Lễ dâng hoa tại Tượng đài Chiến thắng An Lão. Ảnh: MAI LÂM
HOÀI ÂN - 1 TRONG 2 HUYỆN ĐẦU TIÊN CỦA MIỀN NAM ĐƯỢC GIẢI PHÓNG
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hoài Ân là một trong những “chảo lửa” của chiến trường trọng điểm Khu 5 và Bắc Bình Định, nơi bị địch đánh phá ác liệt nhất. Đây cũng là nơi sinh ra, nuôi dưỡng và trưởng thành của Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng - sư đoàn quân chủ lực đầu tiên của Quân khu 5.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân và quân Hoài Ân đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, đóng góp sức người, sức của, bám đất, bám làng cùng với bộ đội chủ lực Sư đoàn 3 Sao Vàng chiến đấu anh dũng, lập nên nhiều chiến công vang dội. Trong đó, đỉnh cao là chiến thắng chiến dịch Xuân - Hè năm 1972, giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân vào ngày 19.4.1972, tạo hậu cứ vững chắc cho phong trào cách mạng ở Bình Định.
Mỗi người dân Hoài Ân nói riêng, Bình Định nói chung đều rất tự hào khi biết rằng Hoài Ân là 1 trong 2 huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng từ tháng 4.1972 và giữ vững thành quả đó cho đến ngày thống nhất đất nước 30.4.1975.
Những đóng góp của quân và dân Hoài Ân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là bộ đội chủ lực Sư đoàn 3 Sao Vàng để làm nên chiến thắng chiến dịch Xuân - Hè 1972 và hơn 1.000 ngày đêm kiên cường chống địch phản kích, giữ vững vùng giải phóng cho đến ngày thống nhất đất nước là vô cùng to lớn.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng huyện Hoài Ân, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Thắng lợi của chiến dịch Xuân Hè 1972, đỉnh cao là chiến thắng Hoài Ân đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Bình Định nói riêng và Khu 5 nói chung. Chiến thắng này đã tạo căn cứ địa vững chắc cho phong trào cách mạng, làm bàn đạp giải phóng các vùng lân cận, mở ra vùng chiến lược quan trọng ở đồng bằng Trung Trung bộ, nối liền Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, tạo ra thế và lực góp phần tạo nên cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Bộ đội ta tiến công cứ điểm Gò Loi, tháng 4.1972.Ảnh tư liệu
GIẢI PHÓNG QUY NHƠN, MỞ RA “GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN NHẢY VỌT”
Ngày 24.3.1975, Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Tỉnh đội Bình Định họp, quyết định ban hành mệnh lệnh “Tổng tiến công, tổng khởi nghĩa giải phóng toàn tỉnh”. Trong đó nhấn mạnh: “Dồn hết lực lượng địa phương và du kích xã, thôn tổng tiến công vào tất cả đồn bót địch, mà trọng điểm chủ yếu là chi khu, quận lỵ, bắt sống, tước vũ khí, không để một tên chạy thoát”.
Từ mệnh lệnh ấy, quân và dân khắp nơi trong tỉnh đồng loạt đứng dậy, đồng tâm, hiệp sức đánh lui kẻ thù. Từ đó, tin chiến thắng dồn dập báo về. Quận lỵ Bồng Sơn được giải phóng lúc 10 giờ ngày 28.3. 8 giờ ngày 31.3, quận lỵ Phù Mỹ được giải phóng; 1 giờ sau, đến lượt quận lỵ Phù Cát về tay nhân dân; 1 giờ nữa, thêm quận lỵ Bình Khê thất thủ.
12 giờ ngày 31.3, ta làm chủ hoàn toàn quận lỵ An Nhơn; nửa tiếng sau, quân dân địa phương giải phóng Tuy Phước, làm bàn đạp cho bộ đội chủ lực tiến vào chiến trường Quy Nhơn.
Đến 24 giờ ngày 31.3, toàn bộ đồn chốt, căn cứ, cơ quan địch ở nội thị và ngoại vi Quy Nhơn đều bị đánh chiếm. Sáng hôm sau, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên đỉnh cột cờ trước Tòa hành chính ngụy quyền (được ta lấy làm trụ sở Ủy ban quân quản). Cờ Mặt trận, cờ đỏ sao vàng bay rợp phố phường và các công sở, xí nghiệp. Hàng nghìn người dân đổ ra các đường phố, hân hoan đón mừng quân giải phóng.
Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định (1954 - 1975), cuộc tiến công, nổi dậy mãnh liệt của quân dân Bình Định đã phối hợp rất chặt chẽ, nhịp nhàng với quân dân các tỉnh Khu V trong chiến dịch giải phóng Trung Trung bộ, góp phần đưa “cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở cuộc tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi” (nhận định của Bộ Chính trị ngày 31.3.1975).
Sau khi Bình Định được giải phóng, Đảng bộ tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương của Bộ Chính trị. Theo đó, Đảng bộ tỉnh đã động viên quân và dân đóng góp sức người, sức của tới mức cao nhất phục vụ cho chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
* * *
Với nhiều chiến thắng vang dội, cuối cùng là mốc son 31.3.1975, Đảng bộ, quân và dân Bình Định đã góp phần xuất sắc cùng toàn miền Nam nói riêng, cả nước nói chung kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đồng thời, kết thúc vẻ vang hành trình 30 năm giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, bắt đầu từ cách mạng Tháng Tám, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn 1 thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta, làm cho Tổ quốc ta vĩnh viễn độc lập, thống nhất và đưa cả nước tiến lên CNXH.
MAI LÂM