Tạo đà cho du lịch Bình Định cất cánh
Với sự quan tâm đặc biệt và cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực, lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương đang xây dựng chiến lược phát triển du lịch, đưa Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực.
TỪNG BƯỚC THÁO GỠ NÚT THẮT
Với mong muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là điểm đến không thể thiếu của du lịch Nam Trung bộ, thời gian qua, tỉnh Bình Định đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia đầu tư phát triển du lịch góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và dần khẳng định thương hiệu là Bình Định điểm đến an toàn - thân thiện - hấp dẫn.
Tuy nhiên, một rào cản lớn trong thu hút các đoàn khách đến Bình Định là phương tiện di chuyển. Nằm cách xa hai trung tâm lớn của cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hàng không là phương thức di chuyển phù hợp nhất để du khách tiết kiệm thời gian, có thêm trải nghiệm các sản phẩm ở miền đất Võ. Dẫu vậy, đường bay ít, tần suất bay thưa, giá vé cao và đặc biệt là chưa có các chuyến bay quốc tế khiến lượng khách đến Bình Định chưa nhiều như kỳ vọng.
Hiểu rõ vấn đề này, lãnh đạo tỉnh nhanh chóng đưa ra chủ trương và hoàn tất các thủ tục mở rộng sân bay Phù Cát, đồng thời chủ động làm việc với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), Tập đoàn Vietravel bàn các giải pháp. Đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chủ trì những buổi làm việc này, và luôn đề nghị các đối tác đưa ra những phương án cụ thể để sớm cải thiện tình hình.
Nhiều nội dung liên quan đến hợp tác quảng bá, phát triển du lịch Bình Định đã được ký kết, trong đó, một số phần việc cụ thể coi như đã chốt phương án, chỉ còn chờ một vài điều kiện để triển khai.
Đơn cử như việc hãng Bamboo Airways tính toán mở thêm tuyến Quy Nhơn đến Cần Thơ, Đà Lạt và ngược lại; khôi phục các chuyến bay charter (chuyến bay thuê chuyến trọn gói) đưa khách từ Hàn Quốc sang. Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân chia sẻ: “Tỉnh Bình Định có nhiều lợi thế để thu hút du khách quốc tế, nhất là khu vực Đông Bắc Á. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chuyến bay charter đưa khách Hàn Quốc sang phải tạm dừng, nhưng chúng tôi sẽ nối lại trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc khảo sát tuyến Quy Nhơn - Cần Thơ, Quy Nhơn - Đà Lạt và ngược lại đã được triển khai trước đây, có tính khả thi cao. Nhưng cũng do dịch bệnh nên phải tạm hoãn, và giờ là lúc để tái khởi động những đường bay này để đáp ứng nhu cầu của du khách”.
Hành khách xuống máy bay tại sân bay Phù Cát. Ảnh: NGỌC NHUẬN
ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC DÀI HẠN
Trong các buổi tiếp xúc với những đối tác lớn của ngành hàng không và du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn không ngần ngại chia sẻ rằng du lịch Bình Định những năm gần đây có sự phát triển, nhưng phần lớn vẫn mang tính tự phát. Vì vậy, ông mong muốn nhận được sự tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm từ những DN đầu đàn về du lịch như Vietravel hay Saigontourist.
Đáp ứng nhu cầu thiết thực và xác đáng đó, Tập đoàn Vietravel cam kết sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng để xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển du lịch nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch của tỉnh. Đặc biệt, Tập đoàn Vietravel còn hỗ trợ, tư vấn về hoạt động xây dựng sản phẩm, dịch vụ phát triển du lịch tỉnh Bình Định. Trong đó, tập trung xây dựng sản phẩm đặc thù mang đậm bản sắc địa phương, hướng đến mục tiêu trung tâm kết nối du lịch của vùng duyên hải miền Trung; hỗ trợ tỉnh triển khai các giải pháp cấp thiết trong việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống… Bên cạnh đó, tập đoàn này còn có dự định phối hợp với các nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu thực hiện các dự án trong lĩnh vực du lịch mà tỉnh đang mời gọi đầu tư…
Là người sống xa quê đã nhiều năm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ không khỏi ngỡ ngàng khi được giới thiệu về những tiềm năng du lịch của Bình Định. Ông đã dành rất nhiều thời gian để khám phá, ghi lại hình ảnh của đầm Thị Nại, Khu bảo tồn Cồn Chim và cả Tiểu chủng viện Làng Sông, tháp Bánh Ít… Với trải nghiệm ở nhiều vị trí công tác trong lĩnh vực du lịch, ông đã đưa ra những ý kiến tâm huyết nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch quý giá của Bình Định. Một trong số đó là tạo ra những tour mang thương hiệu riêng cho du lịch Quy Nhơn - Bình Định như: Quy Nhơn Young, Quy Nhơn Mind… dựa trên những tiềm năng du lịch độc đáo của tỉnh.
Trong khi đó, việc hợp tác với Saigontourist cũng tập trung vào việc hoàn thiện những yếu tố mà Bình Định còn nhiều “khoảng trống” như: Tư vấn phát triển chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trên lĩnh vực du lịch; đầu tư xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới và các sản phẩm liên kết vùng; quảng bá và xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; tổ chức các sự kiện lễ hội du lịch, văn hóa ẩm thực; tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch…
Cũng là một người con của Bình Định, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, luôn trăn trở với sự phát triển của quê hương. Vì vậy, ông được mời tham gia vào hầu hết những hội nghị lớn và có những ý kiến xác đáng, dựa trên những trải nghiệm thực tế của mình. Ông chia sẻ: “Một trong những điều cần làm để du lịch Quy Nhơn - Bình Định thu hút du khách là phải tạo ra các điểm vui chơi, mua sắm về đêm. Như vậy mới giữ chân du khách và phát triển được kinh tế du lịch. Quan trọng hơn, lúc này tỉnh cần một nhà đầu tư đẳng cấp quốc tế, tạo sức bật cho du lịch Bình Định phát triển mạnh mẽ và bền vững”.
LÊ NA