Champasak - xa mà gần
Trong chuyến xuất ngoại đầu tiên của mình, tôi được đặt chân đến tỉnh Champasak - thủ phủ của vùng Nam Lào. Thời gian trải nghiệm chưa nhiều, nhưng tôi vẫn tranh thủ góp nhặt được những điều thú vị về đất nước và con người nơi đây.
1.
Điểm tham quan đầu tiên tôi đến là đền thờ cổ Wat Phou, có niên đại từ thế kỷ thứ V (là đền thờ xưa nhất ở nước Lào), được UNSECO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 2001.
Tàn tích cung điện còn lại ở Di sản văn hóa thế giới Wat Phou.
Từ lối vào, trải qua hơn 1.500 năm, vẫn còn vững vàng những hàng trụ đá hình Linga, dẫn đến hai cung điện được xây dựng từ rất nhiều khối đá lớn nằm đối xứng nhau trên một gò đất cao, rộng lớn. Dù cung điện chỉ còn lại một phần, nhưng vẫn thấy rõ sự kỳ công, tài hoa của nghệ nhân Lào xưa qua những bức phù điêu, hoa văn chạm khắc vô cùng tinh xảo.
Ấn tượng hơn, để đến ngôi đền chính nằm ở lưng chừng núi Phou Kao (núi Voi), phải đi qua hàng trăm bậc thang đá cổ lên cao dần. Hai bên bậc thang là những hàng cây hoa Champa (quốc hoa Lào) cổ thụ mọc xuyên đồi núi đá, thế đứng vững vàng, dáng cây bay bổng nâng niu hoa Champa bông trắng nhụy vàng, khoe sắc tỏa hương…
Lối đi lên khu vực đền thờ cổ Wat Phou.
Ngôi đền cũng chỉ còn tàn tích, thể hiện sự biến đổi về thờ tự theo dòng thời gian. Những phù điêu, hoa văn chạm khắc rất đẹp hiện còn trong và ngoài tường đền càng làm tăng thêm vẻ đẹp cổ kính, huyền bí của nơi đây (từng là trung tâm tín ngưỡng của người theo đạo Hindu, nơi thờ thần Shiva).
Ở trung tâm đền thờ, đi qua các cột đá lớn, bạn lại được chiêm bái các tượng Phật lớn, nhỏ (mang nét đặc trưng riêng của tượng Phật ở Lào, khác với kiểu tượng Phật thường thấy ở Việt Nam). Được biết, khi Phật giáo phát triển mạnh ở đất nước Triệu Voi, từ thế kỷ XIII thì Wat Phou chuyển thành một ngôi chùa thờ Phật cho đến ngày nay.
2.
Tỉnh Champasak có 1 thành phố và 9 huyện, là một trong những tỉnh rộng lớn và đông dân nhất nước Lào. Vùng đất này hội tụ khá đầy đủ những yếu tố để có đáp ứng nhu cầu khám phá của nhiều đối tượng khách du lịch.
Đến viếng chùa Samleau, được ngắm rất nhiều tượng Phật trong khuôn viên chùa. Trong đó, độc đáo nhất là tượng Phật ngồi ngoài trời có kích thước khổng lồ, với hướng nhìn ra sông Mêkông uốn lượn phía dưới và toàn cảnh TP Pakse ở không xa tầm mắt. Hãy đến ngồi dưới chân tượng Phật vào cuối buổi chiều, bạn sẽ được “tịnh tâm” tận hưởng hoàng hôn tuyệt đẹp buông dần trên sông Mêkông…
Chùa Samleau là điểm tham quan nổi tiếng ở Pakse. Ảnh: H.THU
Pakse là thành phố lớn thứ 4 của Lào, đang vươn mình phát triển, mang dáng dấp của một thành phố du lịch. Nhưng sự sôi động cũng chỉ vừa đủ để khuấy động phần nào nhịp “sống chậm” đặc trưng của người dân Lào, đồng thời vẫn giữ được sự “níu chân” du khách ưa thích những vùng đất bình yên, không ồn ã, xô bồ.
Pakse hội tụ nhiều hàng quán bán món ngon đặc sắc mang hương vị đặc trưng của Lào. Trong đó, một trong những đặc sản là món xôi nếp, cơm nếp trắng thường đựng trong những chõ nhỏ bằng tre nứa được đan khéo léo, ăn kèm với những món nướng (thịt lợn, cá…) hoặc món lạp (thịt, cá băm nhỏ trộn với nước cốt chanh, ớt tươi, thính gạo, rau thơm…) chế biến theo kiểu truyền thống của người Lào.
Món truyền thống ưa thích khác là lạp xưởng Lào, cơ bản vẫn có nhân làm từ thịt heo xay nhuyễn như lạp xưởng Việt; nhưng khác biệt là thêm một số loại gia vị hòa trộn hài hòa rồi nhồi vào lòng heo, phơi nắng… tạo nên hương vị đặc trưng riêng, rất “hao mồi” khi thưởng thức kèm với bia Lào.
Một địa điểm tham quan, mua sắm nổi tiếng ở Pakse là chợ Daoheuang (Đào Hương) do chủ nhân là người Việt kiều lập ra, rất nhộn nhịp người dân, du khách. Chợ bày bán rất nhiều mặt hàng, từ thực phẩm, rau củ nơi núi rừng, đến các loại trang phục dệt truyền thống, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang sức vàng, bạc được chế tác tinh xảo, đậm nét truyền thống Lào.
Quầy bán các loại vải dệt may trang phục truyền thống của người Lào ở chợ Daoheuang (Đào Hương).
Cách TP Pakse chỉ vài chục cây số, cao nguyên Baloven quyến rũ mời gọi, hiện có nhiều rừng cà phê bạt ngàn, cũng từ công sức tạo dựng của Việt kiều. Chúng tôi đến đây vào mùa hoa cà phê nở trắng đồi núi, được ngắm rất nhiều bướm rừng bay lượn, cảnh sắc như ở “miền cổ tích”.
Trên vùng đất cao nguyên, còn có những thác nước rất đẹp, nổi tiếng nhất là thác Tad Fane và thác Plateau; cùng vườn quốc gia Dong Hua Sao, là nơi bảo tồn nhiều loại động vật quý hiếm… tạo thành điểm du lịch sinh thái nổi tiếng ở đất nước Triệu Voi.
Sông Mê Kông đoạn chảy qua Pakse. Ảnh: H.THU
3.
Những ngày ở Champasak, tôi cảm thấy rất thoải mái, gần gũi, không còn cảm giác e dè ban đầu, cứ nghĩ đi qua nước ngoài sẽ “lớ ngớ”.
Sự thoái mái này khiến tôi cảm nhận rõ hơn tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt - Lào. Trong đó, có sự đóng góp tích cực của cộng đồng người gốc Việt Nam đã sinh sống ở Lào nói chung và tỉnh Champasak nói riêng. Người Lào càng thân thiện, gần gũi hơn khi biết bạn là du khách Việt Nam.
Học sinh Champasak mặc trang phục truyền thống khi tiếp đón các đoàn khách đến thăm.
Ghé ngẫu nhiên vào khoảng mười mấy điểm bán hàng, ăn uống ở một số nơi tại TP Pakse, người bán ban đầu mời khách bằng tiếng Lào hoặc tiếng Anh, nhưng khi tôi nói ngắn gọn hai tiếng “Việt Nam” thì hơn một nửa số người bán đều có thể chuyển sang giao tiếp bằng tiếng Việt. Bởi, họ là Việt kiều từ thế hệ thứ nhất đến thứ ba trong gia đình (chủ yếu là người quê ở Huế, Quảng Bình…) sinh sống trên đất Lào, hoặc là người Lào ít nhiều biết tiếng Việt.
Trước đó, được nghe nhiều về sự thân thiện, thật thà của người Lào, cùng cảm nhận trực tiếp từ người dân địa phương trong chuyến đi, nên tôi tin tưởng mua hàng mà không hề trả giá.
Không những thế, đối với những người Lào không biết tiếng Việt, mua hàng xong, tôi cứ thoải mái xòe một xấp tiền Kip (Lak) nhiều mệnh giá trên tay để người bán “tự rút” một hoặc nhiều tờ cho đủ số tiền cần thanh toán, nếu dư dù rất ít thì họ vẫn thối lại không thiếu dù chỉ một Kip...
Lễ buộc chỉ tay - nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Lào.
Trong đêm cuối trước khi rời Champasak, tôi còn được dự lễ buộc chỉ tay - nét văn hóa truyền thống độc đáo, thể hiện lòng mến khách của người Lào. Trở về Bình Định, trên tay vẫn còn nguyên sợi chỉ buộc kèm lời chúc bình an, may mắn của các bạn Lào, tôi tự nhủ lòng “Champasak - hẹn ngày trở lại…”.
MAI THƯ