Phòng tránh đuối nước: Ý thức của mỗi người là quan trọng nhất
Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh có nắng nóng gay gắt, nhiệt độ phổ biến từ 36 - 390C độ, có nơi ghi nhận mức nhiệt cao nhất lên đến 410C. Vì thời tiết nắng nóng, lượng người kéo về bãi biển cũng đông đúc hơn.
Được sự chỉ đạo của lãnh đạo Công ty CP Môi trường Bình Định, Đội Cứu hộ bãi biển Quy Nhơn thường xuyên túc trực và giám sát, tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn. 14 thành viên của Đội làm việc theo ca; đặc biệt chú ý nhắc nhở người dân không tắm ở những vùng có dòng chảy xa bờ, cảnh báo người dân chỉ tắm gần bờ khi có sóng to.
Sơ cứu cho một trường hợp bị đuối nước trên biển Quy Nhơn. Ảnh: MAI LÂM
Theo ông Nguyễn Tấn Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Môi trường Bình Định, Công ty đã trang bị cho Đội Cứu hộ bãi biển các công cụ cần thiết như ống nhòm, loa, kèn, áo phao... phục vụ cho công tác cứu hộ. Từ tháng 10.2022, Công ty trang bị thêm 5 thuyền Kajak, trường hợp có người đuối nước sẽ ứng cứu nhanh hơn.
Theo số liệu thống kê của Đội Cứu hộ bãi biển Quy Nhơn, từ đầu năm 2023 đến nay đã ghi nhận 12 trường hợp đuối nước (có 1 trường hợp tử vong là du khách người Hà Tĩnh). Trong đó, chỉ riêng giai đoạn từ ngày 1.4 - 15.5, có đến 9 trường hợp đuối nước đã được lực lượng cứu hộ sơ cứu kịp thời và được cứu sống.
“Lực lượng cứu hộ là những người có kinh nghiệm, được kiểm tra sức khỏe, thể chất định kỳ, được tập huấn nâng cao trình độ cứu hộ. Đội thường xuyên kiểm tra, rà soát, thống kê và báo cáo kịp thời các trường hợp đuối nước”, ông Nghĩa thông tin thêm.
Ông Lương Văn Hãnh, Đội phó Đội Cứu hộ bãi biển Quy Nhơn, cho biết: “Tình trạng đuối nước vẫn xảy ra, đặc biệt trong thời gian gần đây, khi lượng người tắm biển đông hơn. Chính vì vậy, hằng ngày, chúng tôi đều kiểm tra sát sao tình hình làm việc của các nhân viên cứu hộ. Phân công giám sát cứu hộ trên biển, cắm cờ và biển cảnh báo. Thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân tắm biển an toàn cũng như giữ gìn vệ sinh cảnh quan môi trường bãi biển”.
Bên cạnh công tác cứu hộ, người dân cần có ý thức coi trọng tính mạng bản thân, dự lường trước được những trường hợp nguy hiểm sẽ xảy ra. “Các trường hợp đuối nước hầu hết đều xuất phát từ việc người dân tự ý bơi ra xa bờ, khi gặp sóng lớn thì bị tuột áo phao, dẫn đến đuối nước”, nhân viên cứu hộ Đặng Thị Thúy Phượng cho hay.
Theo ông Nguyễn Tấn Nghĩa, cứu hộ, cứu nạn tại biển Quy Nhơn là công việc rất cần thiết. Công tác này vẫn còn gặp khó khăn khi nhân lực còn thiếu, phương tiện cứu hộ còn thô sơ. “Nếu được trang bị mô tô nước thì tỷ lệ người bị đuối nước được cứu sống sẽ cao hơn. Chúng tôi mong muốn sẽ sớm được trang bị mô tô nước cho lực lượng cứu hộ”, ông Nghĩa nói.
Gần đây nhất, ngày 2.5, có 2 học sinh bị đuối nước trên vùng biển Quy Nhơn tại trạm 5 (đoạn nhà hàng S.Blue) do tắm biển ở vùng sóng to; rất may là Đội cứu hộ đã phát hiện kịp thời và nhanh chóng sơ cấp cứu.
Chị D. (ở phường Đống Đa) cho hay: “Tôi thấy vẫn còn nhiều người không mặc áo phao khi tắm, vì nghĩ mình biết bơi. Khi có sóng to, nhân viên cứu hộ có thổi còi nhắc nhở nhưng vẫn cố tình không quay vào bờ. Tình trạng này xảy ra khá phổ biến”.
Trong nhiều trường hợp xảy ra đuối nước, một phần xuất phát từ sự chủ quan của người dân. Để giảm thiểu tình trạng này, người dân phải chấp hành nghiêm túc theo sự nhắc nhở, hướng dẫn của nhân viên cứu hộ. Hơn ai hết, họ là những người có hiểu biết về phòng chống đuối nước, cũng như nắm rõ các thao tác xử lý khi có nguy hiểm xảy ra.
Bên cạnh đó, khi đi tắm biển, người dân không được ra xa bờ, tắm ở những nơi nguy hiểm đã có cảnh báo, ngoài tầm quan sát của nhân viên cứu hộ. Phải sử dụng phao, áo phao khi tắm biển. Người lớn phải luôn đề cao cảnh giác khi dắt các em nhỏ ra khu vực gần biển. Mỗi người phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết về phòng, chống đuối nước.
XUÂN QUỲNH