Chung tay hành động vì tương lai các đại dương
Vào khoảnh khắc các quốc gia đạt được thỏa thuận, Chủ tịch hội nghị liên chính phủ, bà Rena Lee, dường như đã bật khóc và nghẹn lời thông báo "con tàu đã tới bến bờ".
Rạn san hô Great Barrier ở Australia bị tẩy trắng nghiêm trọng. Ảnh: AFP/TTXVN
Sau gần 20 năm thảo luận và đàm phán, nhiều lúc căng thẳng, cam go tưởng như bế tắc, có thể nói Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại vùng ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ), còn gọi là Hiệp định về Biển cả, là một trong những văn kiện pháp lý đàm phán khó khăn nhất tại Liên hợp quốc (LHQ).
Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 quy định quyền tự do hàng hải, tự do đánh cá trên biển ngoài các vùng đặc quyền kinh tế, khoáng sản trong vùng đáy biển nằm dưới thềm lục địa của các nước là “di sản chung của nhân loại”, đồng thời thành lập cơ chế cấp phép, phân bổ lợi ích từ khai mỏ dưới đáy biển khơi. Tuy nhiên, thời điểm UNCLOS 1982 ra đời chưa có cơ chế tương tự đối với “nguồn gene biển”, một lĩnh vực được đánh giá là đầy tiềm năng và quan trọng trong tương lai. Tới nay, hầu như chỉ có các nước phát triển sở hữu công nghệ biển và công nghệ sinh học hàng đầu, với nguồn tài chính dồi dào, mới có khả năng thu thập nguồn gene biển và phát triển ứng dụng đem lại lợi nhuận, nhưng lại không có văn kiện quốc tế nào quy định họ phải chia sẻ lợi ích và nghĩa vụ bảo tồn biển.
Do đó, BBNJ chính là văn bản mang tính ràng buộc pháp lý đầu tiên nhằm cụ thể hóa và phát triển Công ước UNCLOS 1982 trên khía cạnh này. Hiệp định gồm 17 Chương, 76 Điều, 2 Phụ lục với nội dung chính xoay quanh một số vấn đề gồm: (i) Chia sẻ lợi ích nguồn gene biển; (ii) Thiết lập vùng bảo tồn biển; (iii) Đánh giá tác động môi trường; (iv) Xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ; và (v) Vấn đề chung như cơ chế ra quyết định của hội nghị các quốc gia thành viên, thành lập, vận hành các cơ quan, thể chế để thực hiện văn kiện, giải quyết tranh chấp, cơ chế tài chính. Thành công được đánh giá quan trọng nhất và quá trình đàm phán cũng khó khăn nhất là văn kiện ghi nhận nguyên tắc nền tảng về nguồn gene biển là “di sản chung của nhân loại”, kết hợp với quyền tự do nghiên cứu khoa học biển và các quyền tự do khác ở biển cả. Đây là cơ sở để mọi lợi ích thu được từ nguồn gene biển được chia sẻ một cách công bằng cho tất cả các quốc gia.
Đa số phát biểu đã hoan nghênh và ủng hộ mạnh mẽ việc thông qua BBNJ, đồng thời thể hiện ý định sớm ký và phê chuẩn để hiệp định sớm có hiệu lực, được thực thi đầy đủ và hiệu quả. Đại diện cho nhóm các nước đang phát triển, Cuba đánh giá kết quả này là sự thắng lợi của ngoại giao đa phương và chủ nghĩa đa phương, thắng lợi của các nước đang phát triển nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi và đoàn kết chặt chẽ của các nước trong nhóm. Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77, ông Csaba Kőrösi, gọi sự kiện thông qua BBNJ là một kỳ tích, cho rằng cùng nhau, các nước đã đặt nền móng cho việc quản lý tốt hơn các đại dương thế giới và bảo vệ chúng cho các thế hệ mai sau.
Đại diện phái đoàn thường trực Philippines tại LHQ cho hay với tư cách là một quốc gia quần đảo và đang phát triển, Philippines hoan nghênh cơ chế xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển, chia sẻ lợi ích một cách công bằng và hợp lý, cũng như đánh giá tác động đối với môi trường để bảo vệ môi trường sống và các loài ở biển cả. Phái đoàn Thường trực Trung Quốc tại LHQ lên tiếng chúc mừng việc thông qua lần cuối cùng BBNJ, đồng thời nhấn mạnh việc LHQ thông qua văn kiện này là một thành tựu quan trọng của chủ nghĩa đa phương đích thực, là một công cụ mang tính lịch sử để quản lý các đại dương thế giới, đóng góp to lớn trong việc thúc đẩy Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững. Phái đoàn đại diện Liên minh châu Âu (EU) cũng khẳng định EU và các nước thành viên cam kết ký và phê chuẩn BBNJ sớm nhất có thể.
EU kêu gọi các quốc gia khác có hành động tương tự để văn kiện này được phổ biến và có hiệu lực. Về phần mình, ông Kevin Chand, Cố vấn pháp lý của Phái đoàn Thường trực Vanuatu tại LHQ, chia sẻ: “Tôi cho rằng việc thông qua hiệp định là một tuyên bố rất mạnh mẽ rằng chủ nghĩa đa phương thực sự hiệu quả. Sau vài thập kỷ từ khi UNCLOS 1982 ra đời và có hiệu lực, tôi nghĩ rằng chúng ta đang thấy một kết quả hết sức ý nghĩa với việc thông qua BBNJ. Điều đó có nghĩa là giờ đây chúng ta đã có công cụ pháp lý để bảo vệ quyền tài phán quốc gia trong biển cả và đại dương. Vì vậy, chúng tôi rất vui mừng với kết quả này”. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Vanuatu cũng cảnh báo việc thông qua hiệp định mới chỉ là bước đi đầu tiên và còn khó khăn trong quá trình hiện thực hóa văn kiện này trong tương lai.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, Trưởng đoàn đàm phán, đánh giá: “Sau hơn 15 năm đàm phán, hôm nay là sự kiện rất trọng đại, có ý nghĩa lịch sử khi LHQ đã thông qua được BBNJ. Đây là hiệp định thực thi UNCLOS 1982 và cũng là văn kiện thứ ba với mục đích thực thi công ước. Chính vì vậy, hiệp định có nghĩa hết sức quan trọng: Thứ nhất, khẳng định sự hợp tác đa phương của LHQ và vai trò của LHQ trong việc thúc đẩy, xây dựng các khuôn khổ, định chế toàn cầu; Thứ hai, thể hiện sự hợp tác giữa các quốc gia trong việc thúc đẩy sự phát triển của luật pháp quốc tế, khẳng định vai trò của luật pháp quốc tế trong việc điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế; và điểm thứ ba là một lần nữa khẳng định giá trị của UNCLOS 1982 - bản Hiến pháp của đại dương, khuôn khổ pháp lý toàn diện cho mọi hoạt động trên biển.”
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định “đại dương là nguồn sống của hành tinh và việc thông qua hiệp định nói trên đã tiếp thêm sức sống mới và hy vọng cho đại dương”. Ông kêu gọi các quốc gia nhanh chóng ký và phê chuẩn BBNJ sớm nhất có thể để ứng phó với các mối đe dọa đối với đại dương như biến đổi khí hậu làm Trái Đất nóng lên, khai thác quá mức, biến đổi hệ sinh thái biển, cũng như thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững vì các thế hệ hôm nay và mai sau.
Theo Trần Thanh Tuấn (Báo Tin tức)