Hội thảo về Đề án phát triển hệ thống logictics nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh nông sản Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2050
(BĐ) - Ngày 24.6, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo về Đề án “Phát triển hệ thống logictics nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh nông sản Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2050” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh. Dự hội thảo trực tuyến tại điểm cầu Bình Định có đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT cùng các đơn vị trực thuộc sở và các sở, ngành liên quan của tỉnh.
Quang cảnh hội thảo tại điểm cầu của Sở NN&PTNT. Ảnh: THU DỊU
Theo Bộ NN&PTNT, Đề án này là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam, thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, hiện đại hóa chuỗi cung ứng, giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo cân đối cung cầu, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh nông sản. Phát triển hệ thống logictics nông nghiệp phải gắn với vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, hình thành các hệ thống vệ tinh liên hoàn cung cấp dịch vụ logictisc từ vùng sản xuất phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, từng bước phát triển hệ thống logictisc theo hướng hiện đại, bền vững. Việc quy hoạch xây dựng hệ thống logictics nông nghiệp phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng. Kêu gọi, huy động các nguồn lực tham gia xây dựng, phát triển hệ thống logictics.
Mục tiêu của Đề án đến năm 2030 là đảm bảo cung ứng sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn thực hẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu, giữ được vị thế Việt Nam về xuất khẩu nông sản, phấn đấu lọt vào nhóm 10 về chế biến nông sản trên toàn thế giới. Nâng cao hiệu quả dịch vụ logictics phục vụ sản xuất kinh doanh nông sản. Đảm bảo các vùng nguyên liệu lớn đều có hệ thống logictisc, hình thành hệ thống logictisc đồng bộ, kết nối giữ các vùng sản xuất trọng điểm với các chợ đầu mối, các thị trường trong nước và xuất khẩu…
Để đạt được mục tiêu đề ra, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra gồm: Rà soát lại hệ thống logictics tại các vùng sản xuất trọng điểm trong nước, các địa điểm dự kiến xây dựng các trung tâm logictisc; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống logictics nói chung và hệ thống logictisc nông nghiệp nói riêng gắn với các vùng trọng điểm sản xuất; đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông; hoàn thiện hệ thống trung tâm logictics nông nghiệp 3 cấp gắn kết chặt chẽ với chuỗi sản xuất, cung ứng và phân phối nông sản…
THU DỊU