Nông dân Ân Nghĩa “hít” nông nghiệp hữu cơ
Theo chân Đoàn công tác của tỉnh về thẩm định kết quả xây dựng nông thôn mới tại xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, chúng tôi khá bất ngờ khi nông dân ở đây khá nhạy bén trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Người dân nói về quy trình canh tác hữu cơ với biện pháp kỹ thuật như quản lý dịch hại tổng hợp IPM lưu loát, như thế nào là tạo vùng đệm từ cỏ dại, làm cách nào để sử dụng kiến vàng bảo vệ thiên địch, dùng đèn để bắt sâu bọ… miệng nói tay làm, thuyết minh đâu ra đó. Tôi hiểu, có nghĩa là nông nghiệp hữu cơ đã “bén rễ” trên đất gò đồi Ân Nghĩa với thực chứng là những vườn bưởi, vườn rau và ruộng lúa tươi tốt.
Vùng sản xuất bưởi da xanh được cấp chứng nhận hữu cơ của nông dân xã Ân Nghĩa. Ảnh: THU DỊU
Nghe tôi bắt chuyện nông nghiệp hữu cơ, anh Trần Đức Trạng, thành viên của nhóm cùng sở thích ở thôn Phú Ninh, xã Ân Nghĩa, kể: Tôi ấp ủ mơ ước làm giàu ngay trên đồng đất quê nhà. Nên khi có cơ hội tiếp cận với sản xuất nông nghiệp hữu cơ từ những lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật từ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, tôi “sáng” ra ngay với cơ hội này. Tôi được huyện hỗ trợ đầu tư chuyển đổi dần 4 ha đất vườn đồi trồng keo lai sang trồng bưởi da xanh, chuối sáp, mít thái… Thực hiện canh tác đa tầng bằng cách kết hợp đưa vào chăn nuôi gà thả vườn dưới tán cây. Đến nay, gia đình tôi có thu nhập từ 300 gốc bưởi trưởng thành, sản lượng mỗi năm khoảng 13 tấn. Cuối năm 2022, 0,6 ha bưởi da xanh thời kỳ thu hoạch của tôi được cấp chứng nhận hữu cơ, sản phẩm được HTXNN Thanh niên Hoài Ân đặt hàng từ lúc ra hoa… Nên bây giờ tôi không lo lắng việc bán sản phẩm, hoàn toàn tập trung vào việc chăm sóc cây trồng vật nuôi sao cho thật tốt.
Nói chuyện nông nghiệp hữu cơ không thể bỏ qua yếu tố cực kỳ quan trọng, đó là tác động tích cực của chính quyền địa phương. Huyện Hoài Ân đã quyết liệt khi định hướng, quy hoạch các vùng trồng tập trung, sau đó tích cực hướng dẫn người dân tham gia sản xuất tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Người dân tận dụng lợi thế sẵn có là khu vườn, nguồn cung lao động, tiếp cận được các ứng dụng KHKT, công nghệ; quan trọng là tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Kết quả cuối năm 2022, Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert (Hà Nội) - đơn vị được Tổ chức công nhận quốc tế JAS - ANZ công nhận năng lực - đã cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đối với bưởi da xanh của nhóm sản xuất bưởi hữu cơ xã Ân Nghĩa (2,5 ha) trong thời gian liên tục 2 năm. Như vậy có thể nói trong chặng gian khó đầu tiên, Hoài Ân đã hái được những trái ngọt đầu mùa.
Theo ông Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa, hiện trên địa bàn xã có 2,5 ha cây ăn quả được chứng nhận hữu cơ, hơn 10 ha cây ăn quả và 2 ha lúa được đầu tư canh tác theo hướng hữu cơ, từng bước tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao cho người dân trên địa bàn, tăng thu nhập cho nông dân. Quan trọng hơn, việc chuyển đổi tư duy sản xuất này đã tạo sự chuyến biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường ở vùng nông thôn.
Xã Ân Nghĩa đăng ký về đích nông thôn mới ở xuất phát điểm không cao, tuy nhiên với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, sự đồng lòng của người dân địa phương, đến cuối năm 2022, xã Ân Nghĩa đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Cuối tháng 5.2023, UBND tỉnh quyết định công nhận xã Ân Nghĩa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022, đây là kết quả cho nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân xã Ân Nghĩa.
QUANG BẢO