Giúp nông dân tăng lợi nhuận nhờ kỹ thuật, công nghệ mới
Với mục tiêu tăng chất lượng nông sản, những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh triển khai nhiều chương trình, dự án chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới cho nông dân. Cùng với việc tăng chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp, động thái này còn giúp nông dân thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu.
Dấu ấn lúa SRI, rau VietGAP
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), ngành nông nghiệp tích cực thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt nhằm hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đồng thời sớm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hoạt động chuyển giao tiến bộ KHKT, công nghệ vào sản xuất ở tỉnh ta tạo ấn tượng mạnh mẽ đầu tiên phải nhắc tới là canh tác thâm canh cải tiến (SRI). Từ 1 - 2 ha thí điểm ban đầu, đến nay cả tỉnh có 3.929 ha lúa SRI.
Nông dân Hoài Ân áp dụng quy trình canh tác bưởi hợp chuẩn VietGAP kết hợp đầu tư hệ thống tưới tiên tiến, nhỏ giọt. Ảnh: THU DỊU
Canh tác lúa SRI mang lại nhiều lợi ích bền vững mà thực tế từ các cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống ở các huyện, thị xã như Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Cát, An Nhơn và Hoài Nhơn là minh chứng sinh động. Với kỹ thuật mới, nông dân giảm được chi phí đầu vào, giảm lượng giống, giảm vật tư nông nghiệp, giảm lượng nước tưới…, cây lúa sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, năng suất cao hơn. Với những kết quả này, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương quy hoạch các vùng sản xuất đủ điều kiện, đến năm 2025 tăng diện tích lúa SRI toàn tỉnh lên 5.000 ha.
Với rau màu, ngành nông nghiệp tập trung thúc đẩy ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến vào sản xuất, giúp nông dân thay đổi thói quen, tư duy canh tác kiểu cũ sang canh tác theo các bộ tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn như VietGAP, Organic.
Ở tỉnh Bình Định, qua các chương trình, dự án hỗ trợ, toàn tỉnh đã phát triển 8 vùng sản xuất rau hợp chuẩn VietGAP, quy mô 106 ha, 1.260 hộ dân tham gia sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong hệ thống siêu thị và các quầy bán rau an toàn trên địa bàn tỉnh, sản lượng liên kết tiêu thụ bình quân trên 25 tấn/tháng. Đến nay, 8 vùng sản xuất rau này đã được cấp mã số vùng trồng, được chứng nhận rau an toàn Bình Định - nhãn hiệu Lá lành.
Đặc biệt, trong việc phát triển cây trồng cạn, các kỹ thuật mới được chuyển giao thành công, nhờ đó việc chuyển đổi cây trồng cạn ở Bình Định “thắng lớn”, hình thành những vùng sản xuất cây trồng cạn (chủ yếu là đậu phụng) tập trung ở các huyện Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ.
Kỹ thuật, công nghệ mới nâng vị thế cây trồng chủ lực
Việc thúc đẩy quy trình canh tác tiên tiến giúp ngành nông nghiệp và các địa phương xây dựng được các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng thế mạnh quy mô lớn, thu hút được sự tham gia của nông dân - HTX - nhà khoa học - DN trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Lợi ích từ quan hệ này thể hiện rất rõ ở các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung như bưởi da xanh, xoài, dừa xiêm…
Đến nay, diện tích cây ăn quả được chứng nhận VietGAP là 105 ha, diện tích được chứng nhận hữu cơ (Organic) 2,5 ha. Ngoài ra, hầu hết các địa phương đều động viên, hỗ trợ, hướng dẫn người dân chuyển dần sang áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, hiện đại và tiến tới việc được cấp chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng theo đúng quy định.
Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), nhờ việc tăng cường phối hợp trong chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, gần như bà con nông dân áp dụng thuần thục và hiệu quả trên đồng ruộng. Những quy trình canh tác như quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), canh tác lúa thâm canh cải tiến SRI; đầu tư các mô hình canh tác hợp chuẩn VietGAP, hữu cơ kết hợp với hệ thống tưới tiên tiến, hiện đại trên cây ăn quả… được bà con nông dân áp dụng rộng rãi. Từ thực tế đó, Chi cục phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn của Sở NN&PTNT, các địa phương tổ chức rà soát, kiểm tra xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với từng địa phương. Việc chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất nhằm mục tiêu gia tăng ứng dụng các quy trình canh tác tiên tiến, phù hợp với từng loại cây trồng của từng vùng để người dân áp dụng, tăng năng suất, chất lượng, từ đó có thêm thu nhập.
THU DỊU