Nỗ lực đảm bảo dự toán thu chi ngân sách
Ðể đảm bảo nguồn vốn phục vụ chi cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội và dự phòng cho các trường hợp bất khả kháng, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác thu ngân sách, đồng thời kiểm soát chi chặt chẽ, bảo đảm cân đối, đúng mục đích, tiết kiệm và phát huy hiệu quả vốn ngân sách.
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thành Hải
Phóng viên Báo Bình Ðịnh có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Hải, Giám đốc Sở Tài chính về các giải pháp thực hiện dự toán thu, chi ngân sách đã được Bộ Tài chính giao và HĐND tỉnh thông qua.
* Mặc dù ngay từ đầu năm, tỉnh Bình Định đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp, nhưng thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2023 ước tính mới chỉ đạt 41,9% dự toán năm, ông có thể chia sẻ về vấn đề này?
- Nguồn thu ngân sách nhà nước (NNSN) chủ yếu là tiền thuế, nhưng hiện hoạt động sản xuất kinh doanh của các đối tượng nộp thuế gặp nhiều khó khăn. Ở lĩnh vực xuất nhập khẩu, do thị trường bị thu hẹp, trong khi chi phí đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến nhóm ngành nghề chủ lực của tỉnh. Vì thế, ước tính 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Bình Định chỉ thu được 280 tỷ đồng từ lĩnh vực xuất nhập khẩu, đạt 28% so dự toán năm.
Thu nội địa đạt kết quả tốt hơn, ước thực hiện 5.434 tỷ đồng, đạt 43,3% so dự toán năm, trong đó các khoản thu nội địa phục vụ chi thường xuyên ước đạt 52,1%, tăng 1,5% so với cùng kỳ nên đảm bảo mức bình quân chi thường xuyên 6 tháng.
Đáng chú ý là có 10/17 khoản thu, sắc thuế chiếm tỷ trọng khá trong dự toán thu nội địa đã vượt 50% dự toán HĐND tỉnh giao, như: Thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 59,6% dự toán; thuế thu nhập cá nhân đạt 87%; tiền bán nhà đạt hơn 11 lần; lệ phí trước bạ đạt 51%; phí và lệ phí đạt 54,9%; thu tại xã đạt 100%; thu khác đạt 50%; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 58,3%...
Ngược lại có 7/17 khoản thu chưa đạt 50% so với dự toán, trong đó thấp nhất là tiền thuế bảo vệ môi trường, tiền cho thuê đất và tiền sử dụng đất. Cũng cần nhấn mạnh thêm, việc tỉnh ta thực hiện tốt chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đã góp phần giúp DN khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, nhưng nhiều sắc thuế, khoản thu bị giảm đáng kể, ảnh hưởng chung đến kết quả thu nộp NSNN.
Tỉnh Bình Định đang tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển sản xuất kinh doanh, để nuôi dưỡng nguồn thu. Ảnh: TIẾN SỸ
* UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo kiểm soát chi chặt chẽ, bảo đảm cân đối, đúng mục đích, tiết kiệm và phát huy hiệu quả vốn ngân sách. Công tác này được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Dự toán chi ngân sách được kiểm tra, rà soát chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật; đồng thời thực hành tiết kiệm, ngăn ngừa hành vi tham nhũng, lãng phí. Việc điều hành chi ngân sách của các cấp chính quyền địa phương trong khả năng cân đối nguồn thu của địa phương cũng đã bám sát theo dự toán được HĐND các cấp thông qua và cơ bản đáp ứng kịp thời các khoản chi cần thiết.
Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng năm 2023 ước thực hiện trên 8.204 tỷ đồng, đạt 43,9% dự toán năm và tăng 1% so cùng kỳ; trong đó, chi ngân sách tỉnh hơn 4.153 tỷ đồng, đạt 40,05% dự toán năm và chi ngân sách huyện, thị xã, thành phố (kể cả ngân sách xã, phường, thị trấn) hơn 4.050 tỷ đồng, đạt 48,6% dự toán năm.
* Vậy ngành tài chính và các sở, ngành, địa phương sẽ làm gì để đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách địa phương, góp phần hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023?
- 6 tháng cuối năm 2023, các đơn vị thuộc ngành tài chính tỉnh sẽ tiếp tục đưa chính sách hỗ trợ của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần giúp cộng đồng DN và người dân khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh để thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế, đồng thời nuôi dưỡng nguồn thu. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tập trung tái cơ cấu các khoản thu, chú trọng khai thác các nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ.
Riêng đối với Cục Thuế, Sở Tài chính đề nghị chủ động rà soát, nắm chắc nguồn thu và triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thu, nhất là đối với các khoản thu tiền thuê đất một lần và tiền sử dụng đất đã đến hạn phải nộp của các dự án trên địa bàn tỉnh. Trường hợp chủ đầu tư dự án vẫn không thực hiện nghĩa vụ tài chính, đề xuất các giải pháp báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo các đơn vị ký cam kết và thực hiện nộp định kỳ hằng tháng vào NSNN. Bên cạnh đó là thực hiện tăng thu đối với các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng để bù đắp cho các lĩnh vực có khả năng thu không đạt dự toán.
Ngành thuế tỉnh cũng cần chủ động phối hợp với các ngành, các cấp khai thác các nguồn thu mới, đồng thời tăng cường chống thất thu ở các lĩnh vực như: Kinh doanh số, kinh doanh thương mại điện tử; kinh doanh lưu trú, nhà hàng khách sạn và dịch vụ ăn uống liên quan đến kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh… góp phần hoàn thành dự toán.
Sở Tài chính cũng đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Ban Giải phóng mặt bằng tỉnh triển khai ngay việc đấu giá thu tiền sử dụng đất theo kế hoạch đã được UBND tỉnh giao; khẩn trương thông báo cho các nhà đầu tư nộp kịp thời tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào NSNN, đảm bảo nguồn vốn cho chi đầu tư phát triển đã được HĐND tỉnh giao.
Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo điều kiện cho các DN có mặt bằng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, xem đây là biện pháp lâu dài, cơ bản để tăng thu ngân sách. Cùng với đó là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, đồng thời đôn đốc thi công, giải ngân các dự án của nhà đầu tư, nhằm tăng nguồn thu thuế xây dựng và các khoản thuế liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thuộc ngành tài chính, nhất là cơ quan thuế hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN được UBND tỉnh giao. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát các khoản chi thường xuyên, thực hiện tiết kiệm, giãn, giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết.
* Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)