Ngành viễn thông - Hạ tầng số thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Viễn thông đã tăng tốc, tạo nên hạ tầng số cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Đây là một trong những đánh giá quan trọng của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tại Hội nghị Sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 vừa diễn ra sáng nay (30.6). Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng đạt được các thành tựu nổi bật khác như: xây dựng các nền tảng số quốc gia, phát triển dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4, hay ngăn chặn các thông tin xấu độc trên mạng…
Ảnh minh họa
Tính đến hết ngày 5.6.2023, cả nước đã có hơn 74.400 Tổ Công nghệ số cộng đồng, với khoảng 348.000 thành viên tham gia, để góp phần chuyển đổi số nhanh hơn. Một trong những lĩnh vực góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số là nhờ có sự bứt phá của các công nghệ viễn thông. Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai đợt thanh tra diện rộng hoạt động đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao, nhằm xử lý triệt để vấn đề SIM rác trên phạm vi toàn quốc từ ngày 5.4.2023 đến ngày 5.6.2023.
Từ nay đến cuối năm, cùng với việc xử lý, rà soát vi phạm trong lĩnh vực viễn thông, hạn chế lừa đảo qua mạng viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo, điều phối các doanh nghiệp viễn thông xử lý triệt để “rác” viễn thông. Bên cạnh đó để viễn thông sẽ trở thành hạ tầng số (với mục tiêu thương mại hóa 5G vào cuối năm nay, góp phần phát triển kinh tế số), thì các đơn vị liên quan cùng các doanh nghiệp viễn thông cũng cần tiếp tục tập trung xây dựng Hệ thống Trung tâm dữ liệu số của Việt Nam.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định: “Chúng ta đang có 8 hệ thống trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn Uptier 3, tức là thời gian hoạt động liên tục phải đạt 99,98% và thời gian mà ngừng hoạt động trong năm thì tối đa chỉ được 1,6 giờ. Về tốc độ tăng trưởng doanh thu thì giai đoạn 2003 - 2025 dự báo của chúng tôi sẽ tăng trưởng khoảng 30% trở lên.
“Hiện trạng như vậy, với quyết tâm cam kết của các doanh nghiệp đầu tư đến 2025 và với sự chuẩn bị quy hoạch của Bộ TT&TT, chúng tôi khẳng định hạ tầng trung tâm dữ liệu điện toán đám mây của Việt Nam là một cấu phần quan trọng của hạ tầng số sẽ đáp ứng được yêu cầu về phát triển kinh tế số của Việt Nam, để đạt mục tiêu đưa Việt Nam lên mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và mức thu nhập cao vào năm 2045”, ông Phúc cho hay.
Trong 6 tháng đầu năm, công tác đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội xuyên biên giới cũng đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tập trung rà soát, bóc gỡ các kênh thông tin xấu độc, các fanpage phản động. Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ các tài khoản, fanpage vi phạm, kênh Youtube xấu độc tại Việt Nam và đạt tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay, hơn 90%.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ: “Lần đầu tiên tỷ lệ đáp ứng cao nhất và số lượng tuyệt đối với những nội dung xấu độc hại trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Youtube, Tik Tok… cũng là nhiều nhất từ trước đến nay. Trong 6 tháng vừa qua là lần đầu tiên triển khai được một quy trình xử lý nội dung xấu độc ở mức cao hơn đối với những tình huống khẩn cấp, những tình huống đặc biệt ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Trong đó lần đầu tiên là áp dụng được là các nền tảng xuyên biên giới dùng cái quy trình AI tự động để họ rà quét và áp dụng là rất thành công”.
Trong thời gian tới, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ tiếp tục làm việc với Apple về việc gỡ bỏ các game và ứng dụng vi phạm tại Việt Nam. Tiếp tục làm việc với Facebook, Google, Tik Tok tại Việt Nam, nhằm tăng cường thực hiện công tác đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội xuyên biên giới. Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy các đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, kết nối chia sẻ dữ liệu, hoàn thiện các chính sách về thể chế, đô thị thông minh và các vấn đề về dịch vụ công trực tuyến.
Theo Mai Hạnh (VOV1)