Nhật “bả trạo”
Ðam mê, tâm huyết với văn hóa truyền thống, mấy năm gần đây, anh Phan Văn Nhật (SN 1995, ở thôn 9, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) đã miệt mài bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống địa phương bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Và dù còn rất trẻ, anh Nhật đã gặt hái nhiều thành công.
Năm 2017, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Quy Nhơn về quê, Phan Văn Nhật gắn bó với phong trào thanh niên địa phương trong vai trò Bí thư Chi đoàn thôn 9. Dù công tác đoàn khá vất vả, nhưng Nhật vẫn dành nhiều thời gian cho ý tưởng khôi phục, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Khi biết điều này, dù khen ngợi nhưng nhiều người vẫn can ngăn, vì lẽ những chuyện như thế quá khó với một chàng trai mới vào đời…
Anh Phan Văn Nhật hướng dẫn động tác và cùng tập với đội bả trạo xã Mỹ Thắng. Ảnh: T.T
Quyết tâm phục dựng bả trạo
Ấp ủ, sưu tầm, nghiên cứu trong nhiều năm, đến năm 2022, anh Nhật tham mưu Ban đầm vạn thôn 9 và Ban nhân dân thôn 9, xã Mỹ Thắng tổ chức phục dựng Đội Bả trạo truyền thống của thôn vốn bị mai một hơn 20 năm.
Anh Nhật chia sẻ: Hát bả trạo là loại hình nghệ thuật dân gian, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời của ngư dân, thường xuất hiện tại lễ hội cầu ngư ở các làng biển Bình Định, trong đó có thôn 9, xã Mỹ Thắng. Ở quê mình vì nhiều lý do, bả trạo bị gián đoạn hơn 20 năm.
Để phục dựng, anh Nhật đã đứng ra kêu gọi, vận động những thanh niên yêu quê hương có cùng đam mê thành lập đội phục dựng bả trạo. Với vốn kiến thức đã tích lũy, Nhật cùng đội miệt mài đến gõ cửa từng nhà những vị cao niên trong làng để học bả trạo… Những ngày đầu, các ông, các bác ai cũng hoan nghênh, thừa nhận bả trạo hay, giàu ý nghĩa, nhưng ai cũng can vì để phục dựng mất nhiều thì giờ và gian nan lắm. Nhưng thấy thanh niên trong thôn nhiệt tình quá, cuối cùng ai cũng xúm vào, mỗi người một tay giúp.
6 tháng sau, vào giữa năm 2022, đội bả trạo thôn 9 Mỹ Thắng biểu diễn buổi đầu tiên để báo cáo, xin ý kiến bà con trong thôn. Được sự cổ vũ của bà con, ngay trong năm ấy, đội bả trạo non trẻ đã đảm nhận trọng trách phục vụ tại lễ hội cầu ngư của địa phương. “Ngày đội bả trạo diễn buổi báo cáo, bà con phấn khởi lắm. Đến khi diễn ở lễ hội cầu ngư rất nhiều bà con mừng rơi nước mắt. Hiện nay, chúng tôi đang tích cực tập luyện chuẩn bị cho lễ hội cầu ngư năm 2023”- anh Phan Văn Nhật trải lòng.
Anh Nguyễn Phúc Nguyên, 22 tuổi, là thành viên đội bả trạo thôn 9 xã Mỹ Thắng chia sẻ: “Chưa biết bả trạo thôi, đã biết rồi là ăn vào máu lúc nào không hay. Lúc nào cũng nghĩ đến nó, muốn nhún nhảy, đung đưa theo nó. Vào mùa lễ hội cầu ngư là ai cũng cứ như đi trên sóng cả ngày vậy. Mê lắm!”.
Đội bả trạo thôn 9 phục vụ lễ hội cầu ngư địa phương (anh Nhật vai tổng khoan, áo đỏ, râu đen). Ảnh: T.T
Góp phần gắn kết cộng đồng
Không chỉ phục dựng bả trạo, Nhật còn tích cực và động viên một số bạn trẻ tham gia vào nhiều phần việc để cùng Ban đầm vạn phát huy giá trị lễ hội cầu ngư địa phương. Theo đó cùng với phần lễ, với sự hỗ trợ của Ban nhân dân thôn, anh Nhật vận động nhiều nguồn lực, tổ chức thêm một số hoạt động văn nghệ, thể thao thu hút thanh niên trong thôn hăng hái tham gia. Nhờ có nhiều hoạt động hấp dẫn như: Hát hát múa dân vũ, đua thuyền, đua thúng, kéo co, bóng đá… lễ hội cầu ngư của thôn 9 đã thu hút người dân ở nhiều thôn khác đến dự.
Em Trần Quốc Toản, 15 tuổi ở thôn 9 tâm sự: “Trước đây, phục vụ lễ hội chủ yếu là mấy anh lớn và người lớn tuổi. Nhưng từ khi anh Nhật đứng ra động viên, tổ chức thì cả học sinh phổ thông như tụi em cũng có sân chơi trong lễ hội. Tụi em thấy mình gắn kết hơn với cộng đồng của mình”.
Không dừng lại ở đó, đầu năm 2023, anh Phan Văn Nhật tham mưu và đứng ra vận động thành lập Đội đua thuyền thôn 9. Đến nay, Đội duy trì số lượng 30 thành viên (từ 20 đến dưới 40 tuổi). “Để quy tụ và tập hợp chừng đó con người, duy trì tập luyện không phải chuyện dễ dàng. Nhưng tôi tin nếu có đội đua thì mình sẽ cùng nhau luyện tập, có thể góp mặt ở nhiều sự kiện lớn trong huyện, tỉnh; hơn nữa thuyền bè là đời sống, nghề nghiệp của cộng đồng thôn 9 và là một phần của văn hóa truyền thống, nên mình quyết tâm xin cho được…. Thực tế cho thấy từ khi có đội đua thuyền người dân trong thôn gắn bó, đoàn kết với nhau hơn!” - anh Nhật trải lòng.
Ông Nguyễn Quốc Trị, người dân thôn 9, xã Mỹ Thắng cho hay “Phát huy các môn văn hóa, thể thao này không chỉ tốt cho địa phương mà còn rất tốt cho thanh niên. Thanh niên đam mê văn hóa thì sẽ không sa đà vào các tệ nạn. Nhật còn trẻ nhưng dám nghĩ, dám làm, mình là người lớn, còn sức thì mình đồng hành cùng với em ấy”.
Tôi muốn có thêm thật nhiều sức lực để…
Bên cạnh đó, bằng chính năng khiếu và tâm huyết của mình, Nhật duy trì việc viết và tặng chữ thư pháp cho bà con địa phương vào dịp tết Nguyên Đán, tết Nguyên Tiêu; duy trì đội múa lân để phục vụ nhân dân đặc biệt là trẻ em vào dịp tết Trung thu, tết Nguyên đán và nhiều lễ hội khác.
Ngoài ra, anh Nhật còn thành lập CLB Võ cổ truyền, mở 2 điểm tập đứng lớp trực tiếp huấn luyện ở thôn 9, xã Mỹ Thắng và ở Trường THPT số 2 Phù Mỹ. Nhờ sự nhiệt tình của anh, từ chỗ chỉ thu hút được vài người, đến nay tổng cộng các lớp võ của Nhật đã có hơn 400 võ sinh là thanh thiếu niên địa phương, đóng góp tích cực vào phong trào võ cổ truyền của huyện. Đội võ sinh do Nhật dẫn dắt đã tham gia cuộc thi biểu diễn võ cổ truyền trực tuyến tại Trại hè thiếu nhi Bình Định đạt giải khuyến khích, tham gia thi đấu môn võ cổ truyền Đại hội TDTT tỉnh Bình Định đạt 2 HCĐ.
Nhật tâm sự: “Tôi đặc biệt đam mê văn hóa truyền thống. Tôi muốn có thêm thật nhiều sức lực để có thể phục vụ bà con nhiều hơn. Tôi mong những việc làm nhỏ bé của mình góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp ấy, nhất là khơi gợi, lan tỏa niềm say mê, yêu thích, gắn kết văn hóa truyền thống cho bạn bè và các bạn thanh thiếu niên”.
Chúng tôi rất xúc động
“Hát múa bả trạo là loại hình nghệ thuật dân gian, nhưng không dễ tập luyện. Các thế hệ trước đây biểu diễn được bả trạo là làm theo cách nghề nối nghề, người nối người. Người đi trước chỉ dạy cho người đi sau, và thường là vai nào sẽ truyền lại đúng vai ấy cho người kế cận, hiếm người nắm bắt được toàn bộ các vai. Gián đoạn hơn 20 năm một phần cũng vì ai cũng bận bịu với cuộc mưu sinh, lênh đênh sóng nước. Nay, các cháu thanh niên, nhất là chỗ cháu Nhật, có ham muốn tìm hiểu thì chúng tôi hết sức ủng hộ. Điều khiến chúng tôi hết sức xúc động là chỉ sau 2 năm tụi nhỏ đã phục dựng được và tiến bộ rõ. Giờ chỉ còn chưa tròn khâu tổng lái, nhưng ráng tập luyện thời gian sẽ thuần thục, hay lắm đấy!”
Ông Hồ Tấn Nhanh, 65 tuổi, Bí thư chi bộ thôn 9, Thư ký Đầm Vạn thôn 9, xã Mỹ Thắng
THANH TRỌN