Bình Định - Nơi gặp gỡ, phát triển của các nhà đầu tư Nhật Bản
(BĐ) - Chiều 7.7, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, sự kiện Gặp gỡ Bình Định - Nhật Bản năm 2023 do UBND tỉnh tổ chức chính thức khai mạc.
Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản; là dịp để Bình Định thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác đầu tư, thương mại với các địa phương, nhà đầu tư, DN Nhật Bản; giúp các DN trong tỉnh và DN Nhật Bản gặp gỡ, giao lưu, trao đổi thông tin, ký kết hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm nhằm cùng phát triển bền vững.
Dự sự kiện, về phía Trung ương có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung, đại diện các bộ, ngành và thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia. Về phía các cơ quan ngoại giao, địa phương tại Nhật Bản có các ông: Yakabe Yoshinori, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP Đà Nẵng; Mase Michihiro, Phó Thị trưởng TP Izumisano, tỉnh Osaka; Konno Yasuyuki, Chủ tịch Văn phòng Công Thương thành phố Izumisano; Kato Hirosuke, Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật - Việt TP Sakai, Wada Keiji, Phó trưởng thị trấn Yoshino, tỉnh Nara, cùng đại diện các tập đoàn, DN Nhật Bản.
Về phía tỉnh Bình Định có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Văn Phi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và DN trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị.
Trong khuôn khổ sự kiện, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư các DN Nhật Bản với chủ đề “Bình Định - Nơi gặp gỡ, hội tụ và phát triển của các nhà đầu tư Nhật Bản”.
Tại Hội nghị này, tỉnh Bình Định giới thiệu hình ảnh, các thông tin về tiềm năng, lợi thế của tỉnh; môi trường đầu tư và cơ chế chính sách thu hút đầu tư tại Bình Định; các lĩnh vực, ngành nghề mà tỉnh đang ưu tiên thu hút và hỗ trợ đầu tư; giá thuê đất, chính sách miễn giảm tiền thuê đất; nguồn lao động; dòng vốn cung ứng cho các DN… khi đầu tư vào khu kinh tế và các khu công nghiệp (KCN), đặc biệt là KCN Becamex VSIP Bình Định. Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh sẽ trao đổi, thảo luận, giải đáp những vấn đề mà các nhà đầu tư, DN Nhật Bản quan tâm; ký kết hợp tác, đầu tư với các DN, đối tác Nhật Bản.
VIDEO: PHAN TUẤN
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng khẳng định: Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng để cùng nhau nhìn lại chặng đường đã qua và hướng tới thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác đầu tư, thương mại giữa tỉnh Bình Định với các đối tác, địa phương, DN Nhật Bản. Cùng với đà phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, trong những năm qua, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Bình Định rất coi trọng và đã có những bước đi mạnh mẽ, cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa tỉnh với các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân, DN, đối tác Nhật Bản, để hai bên thực sự trở thành đối tác tin cậy, quan trọng của nhau theo đúng chủ trương, đường lối đối ngoại hai nước và phù hợp với xu thế, nhu cầu của sự phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu chào mừng tại Hội nghị.
Bằng sự nỗ lực của hai bên cùng với sự hỗ trợ tích cực của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán, các tổng lãnh sự quán tại Nhật Bản và Việt Nam, các hội hữu nghị Nhật - Việt…, tỉnh Bình Định đã kết nối và thiết lập được các mối quan hệ hợp tác hữu nghị, thu hút đầu tư với nhiều địa phương, DN, đối tác quan trọng đến từ Nhật Bản. Nổi bật là, từ năm 2013, tỉnh Bình Định đã thiết lập mối quan hệ mật thiết với TP Sakai và vùng Kansai; ký kết và triển khai hợp tác trên nhiều lĩnh vực với chính quyền TP Izumisano, phủ Osaka từ năm 2019.
Ở cấp địa phương, đã thiết lập được quan hệ hữu nghị hợp tác giữa huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định với thị trấn Yoshino, tỉnh Nara và đang xúc tiến thiết lập quan hệ hữu nghị giữa TP Quy Nhơn với TP Ashikaga, tỉnh Tochigi. Hằng năm, hai bên thường xuyên tổ chức nhiều đoàn, chuyến công tác của các cấp chính quyền, các tổ chức, DN để tiếp tục thúc đẩy, làm sâu sắc hơn các mối quan hệ hữu nghị, nâng cao hiệu quả hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Thực hiện các thỏa thuận đã ký kết, nhiều chương trình, dự án hết sức thiết thực đã được triển khai tại Bình Định như: Chương trình hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, thiết bị đánh bắt cá ngừ đại dương; hỗ trợ giống và kỹ thuật chăm sóc cây hoa anh đào Nhật Bản; các dự án ODA do Nhật Bản tài trợ trên các lĩnh vực y tế và môi trường… Và đến nay, đã có 19 dự án của các nhà đầu tư, DN Nhật Bản đang triển khai trên địa bàn tỉnh Bình Định với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 97 triệu USD (chiếm 22% tổng số dự án FDI của tỉnh).
Các sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Bình Định xuất sang thị trường Nhật Bản ngày càng tăng; các dự án đầu tư, chương trình hỗ trợ của các tổ chức, DN, địa phương Nhật Bản đã và đang hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và đóng góp chung vào sự ổn định, phát triển của tỉnh Bình Định.
Những kết quả nêu trên là minh chứng sinh động cho sự phát triển ngày càng bền chặt, sâu sắc trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản nói chung và các DN, địa phương của Nhật Bản với tỉnh Bình Định nói riêng.
Những kết quả bước đầu tốt đẹp là rất đáng phấn khởi, trân trọng, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhu cầu, dư địa hợp tác, phát triển của cả hai bên. Vì vậy, với lợi thế là một địa phương có nhiều tiềm năng phát triển, có vị trí địa lý thuận lợi và hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại; Bình Định luôn mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác hơn nữa với các DN, địa phương Nhật Bản, nhất là trên các lĩnh vực mà Nhật Bản có thế mạnh và tỉnh Bình Định có nhu cầu như: Công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp công nghệ cao, môi trường, tự động hóa, logistics, cảng biển, y tế, giáo dục, lao động… Bình Định mong muốn các địa phương, doanh nghiệp của Nhật Bản tiếp tục quan tâm, mở rộng quy mô hợp tác, đầu tư, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh tham gia ở mức cao hơn trong chuỗi cung ứng và giá trị…, qua đó, hỗ trợ cho tỉnh nâng tầm hợp tác, tạo những bước tiến bứt phá hơn nữa trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.
Với quan điểm nhất quán luôn trân trọng vị thế, vai trò của cộng đồng DN, nhà đầu tư trong phát triển KT-XH của tỉnh và với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, tỉnh Bình Định cam kết hỗ trợ tối đa để các nhà đầu tư, DN, các đối tác nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng tìm kiếm được cơ hội đầu tư khác biệt, thành công, bền vững tại tỉnh và đem sự thành công lan tỏa, chia sẻ, thúc đẩy cộng đồng DN trong tỉnh phát triển song hành. Tỉnh Bình Định luôn sẵn sàng và tạo những điều kiện tốt nhất để chào đón các nhà đầu tư Nhật Bản đến tìm hiểu và hợp tác đầu tư.
Ông Kato Hirosuke, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt TP Sakai: Hội sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bình Định trong hợp tác với Nhật Bản
Với vai trò cầu nối, Hội hữu nghị Nhật - Việt TP Sakai tiếp tục hỗ trợ để tỉnh Bình Định tiếp cận được các nhà đầu tư Nhật Bản ở lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, có thế mạnh và có nhu cầu.
Hội hữu nghị Nhật - Việt TP Sakai thành lập năm 2011, chỉ 4 năm sau đó, đánh dấu sự hỗ trợ của Hội trong hợp tác phát triển kinh tế, đó là dự án chuyển giao kỹ thuật, ngư cụ hiện đại trong hoạt động khai thác thủy sản, nhằm nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương cho ngư dân, nâng giá trị, tăng thu nhập. Năm 2019, Hội hữu nghị tiếp tục phối hợp chuyển giao kỹ thuật, công nghệ như máy tạo xung tuna shocker, hầm bảo quản cá ngừ bằng công nghệ nano, giúp ngư dân Bình Định áp dụng thành công trong việc khai thác và bảo quản cá ngừ đại dương.
Ngoài các dự án đang được chuyển giao kỹ thuật, Hội đang triển khai nhiều dự án để tăng cường mối quan hệ hữu nghị như: Dự án phát triển hoa anh đào Nhật Bản tại Khu du lịch sinh thái Vĩnh Sơn (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh); dự án đầu tư xây dựng Trung tâm cá Koi Nhật Bản - Bình Định…
Với vai trò cầu nối, Hội Hữu nghị Nhật - Việt TP Sakai đã giúp tỉnh Bình Định kết nối và thiết lập mối quan hệ hợp tác với TP Sakai, TP Izumisano và các đối tác khác thuộc vùng Kansai; thường xuyên hỗ trợ, giới thiệu và đưa các DN, nhà đầu tư Nhật Bản đến khảo sát, đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Bình Định.
Ông Nguyễn Văn Lăng, Tổng Giám đốc Công ty CP Becamex Bình Định: Chúng tôi mời gọi các DN Nhật Bản và Việt Nam đến với Becamex VSIP Bình Định
Dự án Becamex VSIP Bình Định là một trong 21 dự án của Becamex IDC và VSIP trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Dự án có quy mô tổng thể 1.425 ha, được chia làm 5 dự án thành phần, đó là dự án Khu Công nghiệp 1.000 ha và 4 dự án khu dân cư, đô thị, dịch vụ với quy mô 425 ha (Khu phức hợp công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định), do Công ty CP Becamex Bình Định làm chủ đầu tư.
Khu phức hợp được khởi công vào tháng 9.2020, tọa lạc tại Phân khu 7, KKT Nhơn Hội. Mặc dù không nằm liền với Khu kinh tế Nhơn Hội nhưng dự án được chính phủ chấp thuận đưa vào KKT Nhơn Hội để hưởng chính sách ưu đãi của chính phủ Việt Nam đối với KKT. Sau khi đi vào hoạt động, dự kiến sẽ thu hút hơn 2 tỷ USD đầu tư vào sản xuất công nghiệp, tạo cơ hội việc làm cho 120 - 150 nghìn người, góp phần vào sự phát triển KT-XH của tỉnh Bình Định.
Sau 3 năm khởi công xây dựng, đến nay đã hoàn thành 100% công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; thi công đồng bộ cơ sở hạ tầng KCN hơn 300 ha, hiện có khoảng 200 ha đất sạch sẵn sàng bàn giao cho các nhà đầu tư thứ cấp. Hiện, 3 nhà đầu tư đến từ Đức, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) đã và đang xây dựng nhà máy trên quy mô 19 ha; xây dựng và đưa vào sử dụng hơn 150 căn nhà ở công nhân, hoàn thành nhà máy xử lý nước thải giai đoạn 1 công suất 4.000 m3/ngày đêm, hoàn thành trạm điện 110 kV và nhà máy cấp nước sạch giai đoạn 1 với công suất 2.900 m3/ngày đêm.
Cùng với những thay đổi mạnh mẽ và quyết liệt của tỉnh Bình Định, từ chính sách đồng hành cùng DN, đến những thay đổi về thủ tục hành chính, luôn tạo điều kiện và tìm cách tháo gỡ khó khăn cho DN một cách nhanh nhất, tin tưởng rằng tỉnh Bình Định nói chung và dự án của Becamex VSIP Bình Định nói riêng sẽ là điểm hẹn của các nhà đầu tư Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội đầu tư.
TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia: Bình Định - lựa chọn phù hợp cho các nhà đầu tư
Đó là suy nghĩ cũng là điều mà tôi muốn gởi đến các nhà đầu tư Nhật Bản tại hội nghị này. Bình Định là địa bàn khó khăn vì thế mọi chính sách ưu đãi đều được dành cho các KCN. Chính quyền tỉnh Bình Định luôn chủ động, đồng hành và sẵn sàng làm tất cả tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Phải nói là chính quyền tỉnh Bình Định đang làm tất cả, DN chỉ cần bỏ vốn đầu tư - những phần về thủ tục đều được chính quyền giải quyết.
Với tư cách là cố vấn của địa phương - 10 năm gắn bó với công tác tư vấn cho chính quyền tỉnh Bình Định, tại hội nghị, tôi vui mừng chào đón 100 DN tìm cơ hội hợp tác hôm nay. Tỉnh Bình Định như là một Việt Nam thu nhỏ có biển đảo, đồng bằng, có tất cả điều kiện tự nhiên, có đầy đủ hệ thống giao thông kết nối đồng bộ. Bình Định đang triển khai xây dựng KCN Becamex và các KCN, cụm công nghệ với hệ thống giao thông rất thuận lợi; với dân số 1,5 triệu dân, Bình Định đang là nơi có nguồn nhân lực dồi dào phục vụ cho nhu cầu sản xuất của các DN.
Như các nhà đầu tư đã chia sẻ, các vấn đề về giá thuê mặt bằng, chi phí vận chuyển, nhân lực thiếu hụt ở phía Bắc và phía Nam, thì ở Bình Định nhà đầu tư sẽ được giải quyết những vấn đề này một cách thuận lợi nhất. Vì thế, nếu tôi là nhà đầu tư thì việc lựa chọn Bình Định là tất yếu.
Ông Takimoto Jo - đại diện Công ty Marubeni Lumber Việt Nam tại Bình Định: Bình Định có nhiều thuận lợi trong phát triển ngành chế biến gỗ
Là công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các mặt hàng từ gỗ tại Bình Định, chúng tôi có thuận lợi là nguồn nguyên liệu gỗ rất dồi dào. Từ khảo sát nguồn nguyên liệu, chúng tôi chọn Bình Định là nơi dừng chân, và khi thực hiện các vấn đề liên quan tới thủ tục đầu tư, chính quyền tỉnh hỗ trợ tối đa. Công ty được thành lập và đưa vào vận hành hết sức thuận lợi. Như quý vị đã biết, hiện nay tại Việt Nam, cả phía Bắc và phía Nam, đều đang gặp khó khăn trong các vấn đề như chi phí để thuê mặt bằng, giá dịch vụ, thiếu hụt lao động… Ở Bình Định, chúng tôi thuận lợi vì không phải đối mặt với tình trạng này. Tại hội nghị này, chúng tôi muốn chia sẻ đến với các DN Nhật Bản đang có nhu cầu, ý định tìm kiếm cơ hội tại Bình Định để các bạn có thêm một kênh thông tin tham chiếu phù hợp.
Ông Kosaburo Kimura, Giám đốc Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định: Chính quyền Bình Định hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp
Công ty của chúng tôi chuyên gia công thủy hải sản. Chúng tôi chọn Bình Định để đầu tư nhà máy vì địa phương này có nhiều lợi thế, đặc biệt là trữ lượng cá khai thác đáp ứng được nhu cầu hoạt động của chúng tôi. Sau khi đầu tư tại tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi tìm khu vực mới và may mắn có cơ hội tại Bình Định; trong quá trình tìm hiểu cơ hội đầu tư, chúng tôi nhận được nhiều hỗ trợ của chính quyền trong việc thành lập công ty.
Trong lĩnh vực gia công thủy hải sản, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ Sở NN&PTNT trong việc nghiên cứu, hợp tác, chuyển giao kỹ thuật triển khai chuỗi liên kết khai thác và tiêu thụ cá ngừ đại dương. Ngoài cá ngừ, chúng tôi đang nghiên cứu thêm các loại cá phù hợp để làm sashimi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Trong việc duy trì nguồn lao động, chúng tôi được sự hỗ trợ tối đa từ Sở LĐ-TB&XH để tuyển dụng lao động. Hiện nay, Công ty hợp tác với Sở NN&PTNT và Trường ĐH Quy Nhơn để nghiên cứu biến chất thải trong sản xuất thành các sản phẩm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, giải quyết các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường.
Với đội ngũ lao động đa số là trẻ, chúng tôi tính toán đến việc tạo cơ chế giúp người lao động, như cải thiện bữa ăn trưa, xây dựng nhà trẻ cho người lao động an tâm gắn bó làm việc.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam: Nhiều lợi thế nếu đầu tư vào chế biến gỗ tại Bình Định
Về chế biến gỗ thì đầu tư vào Bình Định là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Thứ nhất, Bình Định là vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng rất dồi dào. Bên cạnh đó, Bình Định là cửa ngõ kết nối của miền Nam Trung Bộ và các tỉnh Tây Nguyên, việc có thêm vùng nguyên liệu ngoài tỉnh trở thành một lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư lĩnh vực này.
Đặc biệt, chúng tôi biết mặt hàng nội thất mà phía Nhật Bản đang nhập từ Việt Nam đều là nội thất từ gỗ rừng trồng, mà phần lớn là gỗ cao su. Và dĩ nhiên, Tây Nguyên là vùng phát triển cao su lớn, thì việc đầu tư ở Bình Định để sử dụng vùng nguyên liệu gỗ cao su từ Tây Nguyên là phù hợp.
Ngành gỗ là ngành mũi nhọn của tỉnh Bình Định, vì thế đầu tư vào ngành gỗ tại đây, các DN Nhật Bản sẽ nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Với nhiều thuận lợi như vậy, chúng tôi rất mong DN Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực này.
Ông Vũ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bình Định, đại diện Công ty Takimino (Công ty liên doanh với Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực gia công đá granite):
Cơ hội lớn cho thị trường chế biến đá granite
Khi nghiên cứu thành lập dự án, chúng tôi gặp khó khăn, có sự bất đồng trong quá trình làm việc. Do vậy, chúng tôi kết nối và trao đổi để tìm sự thống nhất. Điều đầu tiên chúng tôi muốn chia sẻ là DN Nhật Bản muốn đầu tư vào Việt Nam, đầu tư vào Bình Định phải có sự chuẩn bị trước.
Năm 2021, nhà máy hoàn thành và đi vào hoạt động, chúng tôi tổ chức tuyển dụng và thực hiện đào tạo nhân lực. Phía công ty Nhật Bản cử chuyên gia sang hỗ trợ đào tạo. Tháng 6.2021, chúng tôi làm lễ khai trương, mời đối tác ở Osaka; tại đây, DN Nhật Bản nhận thấy chúng tôi có thể đáp ứng được việc xuất hàng sang Trung Quốc (thời điểm đó nguồn cung xuất đá sang thị trường Nhật Bản từ Trung Quốc đang gặp khó khăn).
Tỉnh Bình Định là nơi chế biến đá granite quy mô lớn, đây là cơ hội để mở rộng hợp tác trong lĩnh vực này. Và những khó khăn do bất đồng trong quản lý, điều hành, hiệu suất làm việc là khó khăn ban đầu trong việc hợp tác liên doanh; tuy nhiên chỉ cần khắc phục được vấn đề này thì việc hợp tác rất thuận lợi.
NHÓM PV KT-VH-XH