BÀI DỰ THI “BÌNH ĐỊNH – ĐẤT VÀ NGƯỜI”
Người giữ màu xanh cho biển
Với tình yêu thiên nhiên, môi trường biển đảo, yêu quê hương, suốt 15 năm qua, anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, sinh năm 1985, ngư dân của làng chài Nhơn Hải, TP Quy Nhơn miệt mài với các hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học, hệ sinh thái vùng biển ở địa phương mình.
Sinh ra trong gia đình có nhiều thế hệ làm nghề biển, ngay khi còn nhỏ, anh Sáng đã theo cha lênh đênh trên biển, đánh bắt thủy sản với đủ các loại ngư lưới cụ: Lưới rút đêm, mành tải tôm hùm giống, lưới đăng, mành chà… Niềm vui khi tôm, cá đầy ghe đã khiến tình yêu biển được nhen nhóm, nảy nở, phát triển và ăn sâu vào máu thịt của cậu bé 10 tuổi tự bao giờ. Chính vì thế khi lớn lên, chứng kiến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, môi trường biển ngày càng ô nhiễm, Sáng quyết tâm cùng cộng đồng giữ màu xanh cho biển.
Từ khai thác chuyển sang làm bảo tồn
Ấp ủ giấc mơ ấy, từ năm 2007, tham gia Nhóm đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở địa phương, anh Sáng cùng các thành viên thường xuyên tuyên truyền ngư dân không khai thác thủy sản bằng chất độc, thuốc nổ; triển khai các mô hình sinh kế nuôi mực, nuôi cá bóp… cho bà con.
Khi du lịch ở xã nhà phát triển, tình trạng du khách giẫm đạp, bẻ phá san hô khiến anh đau đáu không nguôi. Đến năm 2016, Chi cục Thủy sản Bình Định phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) phát động Cuộc thi “Cộng đồng viết đề xuất sáng kiến phát triển sinh kế bền vững áp dụng cách tiếp cận quản lý nghề cá dựa vào hệ sinh thái”, anh Sáng mạnh dạn đề xuất sáng kiến “Mô hình bè cảng bảo vệ san hô kết hợp du lịch xã Nhơn Hải”.
Sáng kiến của anh Sáng được Ban Giám khảo Cuộc thi đánh giá cao khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí giảm hoặc không khai thác trực tiếp từ hệ sinh thái, có tác động tích cực đến sự phục hồi của hệ sinh thái; tạo thêm việc làm và tận dụng được nguồn lực có sẵn của cộng đồng; giảm sự lệ thuộc nguồn thu từ khai thác biển. Kết quả sáng kiến của anh Sáng được trao giải nhì với số tiền hỗ trợ thực hiện mô hình từ Ban tổ chức là 45 triệu đồng. Cũng trong năm đó Tổ bảo vệ rạn san hô xã Nhơn Hải được UBND xã thành lập gồm 8 thành viên do anh Sáng làm tổ trưởng. Tổ của Sáng không chỉ trực canh 24/24 trong mùa du lịch mà còn thường xuyên tổ chức lặn bắt sao biển gai và thu gom rác dưới đáy biển để bảo vệ, giúp san hô phát triển thuận lợi.
Anh Sáng (bìa trái) cùng các thành viên trong Tổ chức cộng đồng bảo vệ rùa biển vào đẻ trứng ở bãi biển Nhơn Hải (năm 2021). Ảnh: NVCC
Tâm đắc với sáng kiến của anh Sáng, bà Nguyễn Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Định đánh giá mô hình cộng đồng bảo vệ san hô để phát triển du lịch là sự gắn kết hợp lý giữa công tác bảo tồn và lợi ích cộng đồng. Hoạt động của Tổ bảo vệ san hô đã tác động tích cực đến ý thức của cộng đồng, những hành vi xâm hại san hô như thả neo trên rạn, bẻ san hô đã giảm nhiều. Kết quả quan trắc rạn san hô tại Nhơn Hải năm 2022 cho thấy mật độ phủ của san hô đã tăng lên (năm 2016 là 36% đến năm 2022 là 44%), tạo nơi trú ẩn và sinh sản cho các loài thủy sản, bổ sung nguồn lợi thủy sản ven bờ, bảo vệ cảnh quan sinh thái để phát triển du lịch.
Phát triển sinh kế cho cộng đồng
Hiện nay anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng là Giám đốc HTX Dịch vụ Du lịch - Thủy sản Nhơn Hải. Thành lập vào năm 2016, đây là mô hình HTX du lịch đầu tiên tại tỉnh Bình Định, hoạt động theo nguyên tắc kinh doanh dịch vụ công ích về bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Những năm đầu dù gặp rất nhiều khó khăn, một số thành viên đã rút ra khỏi HTX, tuy nhiên anh Sáng vẫn cố gắng theo đuổi, duy trì và phát triển các hoạt động của HTX. Đến nay HTX đã làm tốt dịch vụ thu gom rác thải, làm cầu tàu đón khách, góp phần làm sạch môi trường và hoạt động đạt hiệu quả tốt của HTX đã thu hút nhiều đơn vị đến học tập, áp dụng.
Hoạt động của HTX đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 15 thành viên, chị Nguyễn Thị Thu Kiều, thành viên HTX cho biết: Anh Sáng là người nhiệt tình, năng nổ, luôn suy nghĩ sáng tạo và tìm cách phát triển sinh kế cho HTX. Khi thấy người dân địa phương nấu rau câu chân vịt thành nước giải khát, anh Sáng đã học hỏi kinh nghiệm từ bà con, thành lập Tổ nấu nước rau câu với công thức và nguyên liệu chế biến hoàn toàn từ thiên nhiên, không có chất phụ gia, bảo quản để phục vụ du khách. Không dừng lại ở đó, anh còn suy nghĩ hoàn chỉnh mẫu mã, quy trình chế biến, kết quả ngày 27.10.2022, nước rau câu Nhơn Hải đã được UBND tỉnh chứng nhận đạt danh hiệu sản phẩm OCOP hạng 3 sao (đến nay đây vẫn là sản phẩm OCOP duy nhất của Nhơn Hải).
Tổ Bảo vệ san hô thường xuyên tổ chức bắt sao biển gai và thu gom rác dưới đáy biển. Ảnh: TCCĐ
Trở thành “ông bố của rùa biển”
Vùng biển xã Nhơn Hải có hệ sinh thái rạn san hô đa dạng, nơi trú ngụ của các loài sinh vật đặc trưng và có giá trị cao. Tính đa dạng của hệ sinh thái rạn này còn được khẳng định bởi sự xuất hiện, kiếm ăn và lên bãi đẻ của các loài rùa biển (động vật quý hiếm đã được ghi vào Sách Đỏ của Việt Nam).
Ở Nhơn Hải, người dân yêu mến gọi anh Sáng là “ông bố của rùa biển” bởi lẽ năm 2021, có 5 lượt rùa biển (vích) lên bãi biển mũi Cồn, thôn Hải Đông để đẻ thì chính anh Sáng là người đã trực tiếp di dời, bảo vệ và “đỡ đẻ” thành công 3 ổ trứng rùa biển, giúp các rùa biển con xuống nước an toàn.
Anh Sáng tâm sự, lần đó ổ trứng rùa đầu tiên, rùa mẹ đẻ sát mép nước, rất dễ bị triều cường cuốn. Theo các chuyên gia nếu ổ trứng đẻ xong phải di dời ngay trong 6 giờ thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn vì sau thời gian này dây chằng cổ rùa đã được hình thành và dễ bị đứt khi xoay chuyển. Mặc dù đã quá số giờ trên nhưng được sự động viên của mọi người, sự hướng dẫn tận tình qua điện thoại của chị Bùi Thị Thu Hiền, chuyên gia Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN), tôi quyết tâm thực hiện. Cuối cùng ổ trứng đầu tiên đã nở được 53 chú rùa con trong niềm vui và sự vỡ òa của cộng đồng, chính quyền địa phương và các ngành chức năng.
Hôm đó tôi đang ăn cơm, chuông điện thoại reo lên, bên kia đầu dây, giọng phấn khởi “Rùa nở rồi Sáng ơi”. Tôi mừng quýnh, bỏ chén cơm đang ăn, ba chân bốn cẳng chạy ù ra bãi biển. Tới nơi tận tay vớt từng chú rùa nhỏ ngoi lên mặt đất, mọi người xúm lại xung quanh và râm ran tiếng cười mừng vui của trẻ con lẫn người lớn. Đó là một niềm hạnh phúc rất khó tả, tôi vui vì những con rùa nhỏ trở lại biển xanh một phần, nhưng còn vui hơn khi thấy từ người lớn đến trẻ em cùng quan tâm bảo vệ rùa. Bà con tươi vui như thế có nghĩa là từ nay loài rùa sẽ an toàn khi vào đẻ ở bãi biển Nhơn Hải. Và như thế có nghĩa chúng tôi đã tiến một bước rất dài trong việc làm thay đổi nhận thức của bà con!
“Tôi luôn trân trọng và đánh giá cao sự tích cực của HTX Dịch vụ Du lịch - Thủy sản Nhơn Hải và cá nhân anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng trong các hoạt động bảo vệ san hô, rùa biển, bảo vệ môi trường, sản xuất nước rau câu, du lịch sinh thái… hướng đến bảo tồn, phát triển sinh kế bền vững. Những hoạt động trên đã góp phần giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn Nông thôn mới và Nông thôn mới nâng cao. Tôi tin là sẽ có nhiều bạn trẻ học tập theo anh Sáng, cùng chung tay giữ gìn tài nguyên biển đảo và phát triển quê hương giàu đẹp” .
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải
ÁI TRINH