BÀI DỰ THI “BÌNH ĐỊNH – ĐẤT VÀ NGƯỜI”
Làng Bana thay áo mới
Nhen cảm hứng về một vùng sơn cước yên bình, đang căng tràn sức sống mới, được sự ủng hộ của chính quyền, 15 bức bích họa trên các vách nhà sàn tại thôn 3, xã An Toàn, huyện An Lão đã tái hiện những hình ảnh giản dị, thân quen và đầy sinh động về đời sống của đồng bào Bana. Càng vui hơn là người dân nơi đây đón nhận món quà trong niềm xúc động dạt dào.
Từ một ngôi làng miền núi với cuộc sống yên ả, trầm buồn giữa núi cao rừng sâu tịch mịch, ít người biết đến, những bức bích họa rực rỡ sắc màu ấn tượng khiến thôn 3 An Toàn bỗng nhiên rực rỡ hẳn lên.
“Bà con ưng cái bụng, du khách thấy thích thú là được!”
An Toàn là xã vùng cao của huyện An Lão, nằm ở độ cao 1.200 m nên được ví von là “Cổng Trời” của Bình Định. Điểm đến đầu tiên của xã là thôn 3 nổi tiếng đậm đà cảnh đất trời đại ngàn bao la gắn với những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Bana. Những bức bích họa kể trên không chỉ giúp ngôi làng Bana được thay áo mới, tô đẹp cho vùng miền núi An Toàn mà còn góp phần nâng cao ý thức giữ gìn môi trường của người đồng bào dân tộc thiểu số và đặc biệt là để tạo điểm nhấn phát triển du lịch tại địa phương.
Dự án vẽ bích họa trên các vách nhà sàn tại thôn 3 được UBND huyện An Lão ủng hộ và hỗ trợ kinh phí để thực hiện. Ảnh: D.T.D
Những ngôi nhà sàn phủ kín bởi những bức bích họa sống động kể trên bắt đầu từ ý tưởng của một nhóm giáo viên mỹ thuật trên địa bàn. Ý tưởng này được UBND huyện An Lão động viên, ủng hộ và hỗ trợ kinh phí để thực hiện. Đây là một dự án cộng đồng nhằm điểm tô cảnh vật vùng cao, đồng thời thúc đẩy một nền nông nghiệp sạch, phát triển mô hình du lịch trải nghiệm và để tôn vinh, quảng bá những nét văn hóa nổi bật của địa phương, đồng thời tạo sinh kế cho người dân nơi đây.
Anh Trần Thanh Vương, giáo viên trường Tiểu học An Hưng, một trong những người trực tiếp vẽ tranh kể: Để thực hiện dự án vẽ bích họa ở thôn 3, xã An Toàn, anh em chúng tôi cùng ngồi lại, xây dựng kế hoạch, thống nhất đề tài sáng tạo, cùng nhau hoàn chỉnh các phác thảo. Dù có một số gợi ý, đề nghị nhưng chủ yếu lãnh đạo huyện dành cho chúng tôi - những người trực tiếp sáng tạo nghệ thuật - không gian sáng tạo tối đa! Các anh các chú gởi gắm, vẽ sao để trước tiên chính bà con địa phương thấy ưng cái bụng, kế đó du khách thấy thích thú, muốn chụp hình lưu niệm, được như vậy coi như mình đã quảng bá thêm cho quê hương An Lão. Nay bà con đã ưng cái bụng, nhưng thật lòng chúng tôi vẫn chưa thấy hài lòng, vẫn muốn được cống hiến nhiều hơn.
Các bức bích họa mô tả thể hiện sinh động, gần gũi hình ảnh đời sống quen thuộc của đồng bào Bana. Ảnh: D.T.D
Những họa sĩ, giáo viên An Lão đã khoác áo mới xinh đẹp cho làng thành công. Đây không chỉ tạo thêm điểm đến mới cho du lịch mà qua đó còn phác họa một góc nhìn vào đời sống, sinh hoạt, tâm hồn của đồng bào Bana nơi đây, góp phần nâng cao ý thức giữ gìn môi trường của người dân.
Chúng tôi rất vui, khách của làng thích lắm!
Từ cổng làng, những bức bích họa vẽ trên các vách nhà sàn rực rỡ sắc màu, bắt mắt đã thu hút người xem. Đi vào bên trong là hình ảnh những em bé chạy giỡn, nô đùa, người dân trò chuyện với du khách... Mấy tháng gần đây hình ảnh này tạo nên một bầu không khí sinh động, lôi cuốn ở thôn 3.
Các bức bích họa mô tả hết sức đơn sơ hình ảnh đời sống quen thuộc của đồng bào Bana như: Những chòi lúa, mùa hoa sim nở, uống rượu cần, ruộng bậc thang, cảnh sinh hoạt quây quần bên bếp lửa. Và đặc biệt là hình ảnh người Bana trình tấu bộ cồng chiêng được Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng trao tặng vào cuối năm 2018. Bộ cồng chiêng khiến sinh hoạt cộng đồng này ở thôn 3 được lật sang một trang mới sôi động hơn trước rất nhiều, và món quà được bà con coi là báu vật của làng.
Du khách thích thú check-in với một bức bích họa. Ảnh: D.T.D
Ông Đinh Văn Cong, thôn 3, xã An Toàn, chủ căn nhà sàn sở hữu một bức bích họa, phấn khởi chia sẻ: Gia đình tôi cũng như nhiều người dân khác ở thôn 3 theo dõi các bạn họa sĩ vẽ hằng ngày, nhưng đến khi tranh hoàn thành vẫn thấy bất ngờ. Những vách nhà sàn mốc meo bỗng nhiên hiện lên với diện mạo mới, đẹp đẽ. Hình ảnh đời sống, sinh hoạt, sản xuất, vui chơi của chúng tôi hiện lên y như thật, chúng tôi nhận ra cảnh mình thu hoạch lúa chín vàng trên những thửa ruộng bậc thang, cảnh chơi cồng chiêng, bọn trẻ hát múa, chơi đùa... Không chỉ người lớn và cả bọn trẻ con trong thôn cũng rất thích.
Sau một ngày làm lụng, giờ bà con ở thôn 3 An Toàn có thêm một thú vui mới - đi ngắm tranh của làng mình. Vui như thế nên bà con rủ nhau quét dọn, vệ sinh đường làng sạch đẹp. Chị Đinh Thị Hương, vui vẻ kể: Từ ngày làng có tranh mới trên nhà sàn, một đồn mười, mười đồn trăm; khách tham quan, chụp hình ngày nào cũng có, làng mình nhộn nhịp, vui hẳn lên. Lâu nay bà con chỉ biết lên rừng, lội suối thôi, ai nghĩ có ngày quê mình lại tươi đẹp và được nhiều người biết đến như thế đâu.
Được khoác chiếc áo mới, đón nhiều du khách, thôn 3 càng thêm hồn hậu. Đa số du khách đến thăm làng đều thích thú với sự nồng nhiệt, mến khách của bà con nơi đây. Họ đón khách tham quan thân thiện, ấm áp như đón những người thân ở xa về thăm chơi. Họ nhiệt tình kể về quá trình vẽ các bức bích họa, giải thích chủ đề, nói về những đổi thay của làng. Thôn 3 vẫn giữ được nét dung dị vùng cao vốn có của mình. Điều đó tạo nên một thôn 3 xinh đẹp mà vẫn gần gũi, một thôn 3 vui tươi, rộn ràng mà đầy chất thanh bình.
Anh Nguyễn Thanh Phong, người dân ở thôn Xuân Phong Bắc, xã An Hòa, chia sẻ: Vừa đến đầu làng, chúng tôi đã được bà con hăng hái mời đến xem tranh, chia sẻ rất tự nhiên về văn hóa, đời sống của người Bana. Cũng nhờ thế mà chúng tôi đã có những trải nghiệm thú vị, khó phai ở đây. Mong rằng tương lai làng bích họa thôn 3, xã An Toàn sẽ có thêm nhiều bức tranh hơn nữa để du khách chúng tôi trải nghiệm và thưởng thức. Tôi sẽ kể điều này và mời bạn bè gần xa lên đến thăm làng!
Khởi đầu tốt của mùa vui
Thôn 3 trở nên rộn ràng, cuộc sống ngày càng vui vẻ hơn. Nếu như trước đây, đàn ông chỉ lên rừng, làm rẫy, phụ nữ xuống suối, làm ruộng, nấu cơm… thì giờ đây nhiều gia đình đã có thêm thu nhập nhờ dịch vụ homestay, giải khát, bán các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng ở địa phương như: Thịt trâu gác bếp, mật ong, dứa, rượu sim, rượu chuối rừng, sản phẩm đan đát... Không chỉ có vậy bà con còn biết trồng thêm các loại hoa và cây ăn trái như: Hoa cẩm tú cầu, hoa cánh bướm, hướng dương, dứa, cam xoàn, thanh long... để tạo thêm cảnh quan cho ngôi làng và phục vụ khách du lịch.
Thôn 3 vốn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng có thể nói không quá rằng, “ngòi nổ” chính là những bức bích họa hồn hậu xinh đẹp, những bức tranh thắp lên nụ cười, nhen lên niềm vui cho bà con Bana nơi đây. Từ khi khoác lên mình bộ áo mới, nhịp sống của thôn 3 năng động hẳn lên, du khách đến với làng đông hơn, nhiều hơn, kéo theo dịch vụ của du lịch bung ra, kinh tế làng vùng cao phát triển. Du khách về thăm miền núi An Lão, sau khi ghé thăm tượng đài chiến thắng An Lão, hồ thác, sẽ muốn lên làng bích họa thôn 3, An Toàn để được ngắm những bức tranh bích họa, nghe tiếng cồng chiêng nối trời đất với nhau và ngắm gương mặt hồn hậu đến rạng rỡ của bà con nơi đây.
DIỆP THỊ DIỆU