Xây chiến lược truyền thông phát triển thương hiệu du lịch Bình Ðịnh: “Cú huých” thúc đẩy du lịch phát triển
Ðề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh về nghiên cứu chiến lược truyền thông phát triển thương hiệu du lịch Bình Ðịnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được kỳ vọng sẽ tạo bệ phóng để du lịch tỉnh nhà phát triển hơn trong thời gian đến.
Đây là đề tài do PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn và Th.S Lê Thị Vinh Hương, Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy đồng chủ nhiệm.
Từ phân tích tình hình cung cầu thị trường du lịch và thế mạnh của Bình Định, nhóm nghiên cứu đề tài đề ra định hướng du lịch Bình Định đến năm 2030 trở thành điểm đến an toàn, chất lượng, hấp dẫn hàng đầu châu Á; là nơi du khách được trải nghiệm những giá trị độc đáo, sáng tạo và khác biệt của di sản văn hóa, thiên nhiên tuyệt đẹp với sự bền vững về môi trường; mang đến sự hứng khởi và cảm xúc trên mỗi hành trình. Xác lập chân dung du lịch đẳng cấp cao với hình ảnh một điểm đến du lịch: “Chân thành - Yên bình - Độc đáo”, mang 5 giá trị bản sắc thương hiệu: “Chất lượng - Sáng tạo - Trách nhiệm- An toàn - Hứng khởi”.
Du lịch biển đảo thu hút đông khách du lịch đến Bình Định, song sản phẩm còn đơn điệu, nghèo nàn. Ảnh: L.X
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất tổ hợp các mục tiêu cụ thể của chiến lược truyền thông, chủ yếu là truyền thông, quảng bá, giới thiệu thông tin, hình ảnh về danh lam thắng cảnh, văn hóa con người, ẩm thực, các sản phẩm du lịch mới; nâng cao nhận thức, niềm tự hào của người dân Bình Định về đặc trưng văn hóa, ẩm thực, danh lam thắng cảnh Bình Định để mỗi người dân Bình Định là “một đại sứ du lịch”; từng bước thúc đẩy phát triển thành phố du lịch thông minh thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong truyền thông, quảng bá thương hiệu du lịch Bình Định…
Đáng chú ý, thông qua kết quả nghiên cứu đề tài, nhóm nghiên cứu còn đề xuất bộ nhận diện thương hiệu điểm đến du lịch Bình Định (hình ảnh, biểu tượng và slogan). Tỉ như về tên thương hiệu: “Quy Nhơn”; slogan: “Văn hóa giao hòa thiên nhiên”; logo được lấy từ cảm hứng hình ảnh những con sóng uốn lượn, khát vọng sáng tạo của con người và đặc trưng văn hóa hòa quyện, tựu trung trên nền tảng địa danh Quy Nhơn.
Nhóm cũng đề ra 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp truyền thông phát triển thương hiệu du lịch Bình Định, trong đó nhóm giải pháp ưu tiên chủ yếu là tăng cường thu hút, trải nghiệm cho du khách và người dân; tăng cường quảng bá thương hiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức lễ hội, sự kiện tại Quy Nhơn, Bình Định; xây dựng và phát triển kho dữ liệu du lịch tích hợp của Bình Định. Về nhóm giải pháp đồng bộ lâu dài thì tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và xây dựng hệ sinh thái đa chiều cho hoạt động kinh doanh du lịch.
Đặc biệt, từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề tài đã đề xuất UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện kế hoạch hành động triển khai kết quả nghiên cứu của đề tài: “Nghiên cứu chiến lược truyền thông phát triển thương hiệu du lịch Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh với 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cốt lõi. Đơn cử như về nghiên cứu, định hướng, phát triển thị trường, nhóm đề xuất xây dựng hệ thống thông tin thị trường theo các phân đoạn thị trường mục tiêu. Theo đó, về xây dựng hệ thống thông tin thị trường theo các phân đoạn thị trường mục tiêu thì cần khai thác và phát triển các thị trường khách du lịch nội địa (TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nguyên và từng bước mở rộng thị trường các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc, đồng bằng Sông Cửu Long, đồng bằng Tây và Nam bộ, đồng bằng Nam và Bắc Trung bộ…).
Với thị trường khách du lịch quốc tế thì tập trung thu hút khách du lịch các thị trường gần, có nguồn khách lớn và mức tăng trưởng nhanh, như: Thị trường Đông Bắc Á, Nga, Đông Âu và Đông Nam Á, trong đó chú trọng vào khách Hàn Quốc, Nhật Bản thích nghỉ dưỡng biển kết hợp các hoạt động thể thao…
Về kế hoạch truyền thông, thì tập trung truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng truyền thống (truyền thông, quảng bá trên báo và tạp chí chuyên đề về du lịch), qua kênh truyền hình Trung ương và địa phương và các fanpage, kênh Youtube của các báo, đài, của các đơn vị liên quan, hoặc truyền thông dựa trên nền tảng số, kết hợp lồng ghép qua các hoạt động và sự kiện…
Đánh giá cao kết quả nghiên cứu, TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN, cho rằng việc chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu đề tài vào cuộc sống là rất cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả giá trị đề tài trong thực tiễn. Đồng thời, kỳ vọng kết quả sản phẩm đề tài sẽ góp phần xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Bình Định, làm cơ sở để Sở Du lịch, DN kinh doanh du lịch, địa phương quảng bá, tuyên truyền, phát triển thương hiệu du lịch Bình Định.
TRỌNG LỢI