Trợ lực để học sinh sáng tạo tốt hơn
Năm 2023, tròn 10 năm Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh được tổ chức và trở thành sân chơi bổ ích, giúp các “nhà sáng tạo trẻ” phát huy tư duy sáng tạo. Tuy vậy, để các giải pháp triển vọng, có khả năng áp dụng vào thực tiễn đời sống, cần có sự hỗ trợ nhiều hơn từ chính quyền, cộng đồng.
Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh năm nay có 49 giải pháp đoạt giải. Trong số này có nhiều mô hình có tính ứng dụng cao trong đời sống, như: Hệ thống bãi giữ xe thông minh tại các chung cư và trung tâm lớn; giường đa năng dành cho bệnh nhân đột quỵ; máy làm sạch ốc và một số nông, hải sản; cày đa năng kết hợp tưới tiêu; nhà vệ sinh thông minh; máy cắt, thu gom cỏ và chạy đường biên sân thể thao; máy vệ sinh môi trường đa năng… Các mô hình này được đánh giá cao, có thể hoàn thiện, nâng cấp để ứng dụng vào thực tế.
Mô hình “Cày đa năng kết hợp tưới tiêu” tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ X, năm 2023. Ảnh: T.LỢI
Thầy Dương Đức Thắng, giáo viên dạy môn Vật lý, Trường THCS Hoài Sơn (TX Hoài Nhơn), cho hay, đa phần ý tưởng của các em đều rất gần gũi, thiết thực, ứng dụng thông qua những gì đã chứng kiến trong cuộc sống. Hơn nữa, các em phát huy được các kiến thức lý, hóa, sinh, công nghệ thông tin được tiếp cận trong những năm học vừa qua nên đã làm ra sản phẩm rất ý nghĩa cho cuộc sống, phục vụ thiết thực cho quá trình học tập. Đơn cử, vào năm 2022, mô hình “Máy phơi, giê và thu gom nông sản đa năng” do học sinh của trường thực hiện đã đoạt giải nhất Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ IX - năm 2022. Đây là giải pháp có tính sáng tạo, khả năng ứng dụng cao trong đời sống, sản xuất, giúp nông dân tiết kiệm chi phí, thời gian sản xuất và giảm sức lao động. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí có hạn, nên đến nay vẫn chưa thể được đầu tư, nâng cấp mô hình để trở thành sản phẩm cơ giới, có thể khảo nghiệm thực tế.
“Có thêm chính sách hỗ trợ cho giải pháp có khả năng áp dụng vào đời sống, sản xuất, tôi nghĩ rất tốt. Điều đó không những khơi dậy sự hứng thú tìm tòi, nghiên cứu khoa học cho các em, còn cho thấy giá trị cuộc thi khi có những giải pháp được ứng dụng vào đời sống, sản xuất sau đó. Thời gian đến, tôi mong muốn nhà trường, DN, ban tổ chức cuộc thi có sự kết nối, hỗ trợ để biến các ý tưởng, mô hình độc đáo có khả năng ứng dụng vào thực tiễn trở thành những sản phẩm tốt, góp phần nâng cao cuộc sống cho nông dân, DN”, thầy Thắng chia sẻ.
Theo ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội KHKT Bình Định, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi, trước mắt Cuộc thi hướng đến mục tiêu khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của thanh, thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn tỉnh; giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai. Về lâu dài, Ban tổ chức cuộc thi sẽ tính đến việc đưa các giải pháp, sản phẩm, mô hình có triển vọng áp dụng vào đời sống, sản xuất, góp phần phát triển KT-XH. Tuy nhiên, mục tiêu này cần sự chung tay hỗ trợ, đồng hành từ phía cộng đồng, DN, nhà trường và địa phương trong bối cảnh kinh phí Nhà nước dành cho hoạt động này còn hạn hẹp.
“Các cuộc thi đến, chúng tôi sẽ tính đến phương án kêu gọi, kết nối các nhà đầu tư, DN tham gia hỗ trợ kinh phí nhằm “trợ lực” cho học sinh phát triển hoàn chỉnh các giải pháp có tiềm năng. Có thể là hỗ trợ về mặt kỹ thuật, vốn và xây dựng hoàn thành các thủ tục đăng ký bản quyền sáng chế cho các sản phẩm tiêu biểu. Trước mắt, trong cuộc thi lần này, chúng tôi đã ngỏ ý nhờ bác sĩ có chuyên môn phù hợp tư vấn thêm và kết nối với Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (BIDIPHAR) tham gia hỗ trợ để học sinh phát triển hoàn chỉnh giải pháp “Giường đa năng dành cho bệnh nhân đột quỵ”. Đây là giải pháp đoạt giải nhì lĩnh vực các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em của cuộc thi, do nhóm tác giả Nguyễn Thị Cẩm Ly (lớp 8A7) và Nguyễn Đình Trực (lớp 9A3) Trường THCS Cát Tường (huyện Phù Cát) thực hiện”, ông Tâm cho biết thêm.
TRỌNG LỢI