BÀI DỰ THI “BÌNH ÐỊNH - ÐẤT VÀ NGƯỜI”
Người nặng lòng với di sản quê hương
Ông Nguyễn Văn Minh (60 tuổi, ở thôn Hải Ðông, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn) được người dân trong xã quý mến bởi sự nhiệt tình tham gia công tác xã hội, gìn giữ nghệ thuật bài chòi, bả trạo ở địa phương.
Xuất thân là ngư dân, ông Minh có 21 năm làm Trưởng thôn Hải Đông, giờ là Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn; cùng với đó ông còn giữ vai trò Trưởng nhóm tình nguyện viên bảo vệ rùa biển xã trong giai đoạn sơ khai, là đội trưởng đội bài chòi cổ và đội bả trạo xã Nhơn Hải. Góp nhiều công sức trí tuệ cho địa phương nhiều như thế, nhưng nghe tôi hỏi chuyện để viết báo, ông cười nói: “Chú có làm gì to tát đâu mà viết. Dị lắm!”.
Làm “bà mụ” cho rùa
Giai đoạn 2008 - 2016, từ các dự án do Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tài trợ truyền thông nâng cao nhận thức của người dân bảo vệ rùa biển tại xã Nhơn Hải, UBND xã thành lập nhóm tình nguyện viên quan sát và bảo vệ rùa biển - loài động vật biển quý hiếm nằm trong Sách Đỏ của Việt Nam và thế giới; ông Minh được tin tưởng giao đảm nhiệm vai trò trưởng nhóm.
Ông Minh (bìa phải) thả rùa con mới nở về với biển. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ông Minh kể lại: “Hồi đó, mỗi tháng anh em trong nhóm chỉ được hỗ trợ vài chục nghìn đồng để nạp card điện thoại liên lạc, nhưng mỗi khi phát hiện rùa lên bờ đẻ, hay trứng sắp nở, chúng tôi canh giữ cẩn thận. Có đêm canh rùa đẻ gặp mưa tầm tã, chúng tôi dầm mưa cả đêm để bảo vệ rùa. Xắn tay làm “bà mụ” cho rùa riết rồi bà con cũng thấy việc làm ý nghĩa của nhóm, dần dần chuyển biến nhận thức và cùng tham gia bảo vệ rùa”.
Nhắc lại những tháng ngày khởi đầu làm công tác bảo vệ rùa biển, bà Nguyễn Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh, người gắn bó lâu năm với công tác bảo vệ rùa biển, tâm tình: “Chính sự nhiệt tình của các thành viên Nhóm tình nguyện viên quan sát và bảo vệ rùa biển ở Nhơn Hải và Hải Giang, nhất là nhờ anh Minh nhiệt tình điều hành hoạt động, nhóm đã bảo vệ rùa, đỡ đẻ cho rùa, góp phần tác động mạnh mẽ nhận thức của người dân địa phương. Để giờ đây, cả làng chài Nhơn Hải cùng chung tay bảo vệ rùa biển, đó là cả một quá trình truyền thông lâu dài trong nhiều năm”.
Đội trưởng Đội bài chòi cổ
Sinh ra và lớn lên ở biển, cũng như bao thế hệ đi trước, ông Minh phải bám biển mưu sinh, nhưng cái “máu văn nghệ” nó ngấm vào ông từ nhỏ. Ông kể: “Lúc nhỏ tôi hay theo mẹ ra bãi biển chơi, những đêm trăng thanh gió mát, mấy cụ cao niên thường trải chiếu trên bãi biển, đốt đèn dầu ngồi hô bài chòi cổ (bài chòi dân gian), hát bội để giải trí. Tôi say mê lắng nghe rồi tập hô hát, rồi thuộc lòng những bản bài chòi cổ viết theo các làn điệu xàng xê, xuân nữ, hò quảng, cổ bản, cùng những trích đoạn hát bội”.
Ông Minh (đứng thứ tư từ phải sang) trong vai trò vừa là đội trưởng, vừa là anh hiệu trong Hội bài chòi cổ phục vụ nhân dân Nhơn Hải dịp xuân năm 2023. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Khoảng năm 1984 - 1987, xã Nhơn Hải thành lập đoàn cải lương và đoàn hát bội. Ông Minh tham gia làm diễn viên, chuyên đóng vai hề. “Tuy là đoàn cải lương, hát bội, nhưng còn có cả bài chòi; phục vụ không chỉ người dân trong xã mà còn đi biểu diễn ở nhiều địa phương khác. Sau này hai đoàn cũng tan rã, thỉnh thoảng xã tổ chức chương trình văn nghệ, tôi cũng tham gia góp vui phong trào cho xã nhà”, ông Minh hồi tưởng.
Năm 2012, ông Minh cùng một số nghệ nhân bài chòi ở địa phương được xã cử đi tập huấn hô hát bài chòi dân gian do Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn tổ chức. Sau đó, địa phương thành lập đội bài chòi cổ Nhơn Hải do ông Minh làm đội trưởng và phục dựng Hội đánh bài chòi dân gian phục vụ nhân dân vui xuân, đón tết. Cũng trong năm 2012, Đội bài chòi cổ Nhơn Hải lần đầu tiên tham gia thi diễn xướng bài chòi tại Ngày hội VH&TT miền biển của thành phố đã đạt giải nhất toàn đoàn.
Không chỉ quán xuyến hoạt động của đội bài chòi, ông Minh còn là một anh hiệu với lối diễn hài hước, dí dỏm làm rôm rả thêm cho Hội bài chòi ngày xuân, cũng như đạt giải cao trong các đợt thi diễn xướng bài chòi do thành phố tổ chức. Ông Minh cho hay: “Để trở thành anh hiệu, chị hiệu, ngoài việc có chất giọng tốt, nghệ nhân cũng cần có cái duyên hô thai, đó là nét biểu cảm của khuôn mặt, sự uyển chuyển, hóm hỉnh trong các động tác, như vậy hội bài chòi mới vui, mới gần gũi với khán giả. Do hồi trước tôi được các chú dạy đóng các vai hề, nên có lẽ làm anh hiệu khá hợp”.
Tổng sanh trong đội bả trạo
Không chỉ nhiệt tình làm vai trò đội trưởng, anh hiệu trong đội bài chòi cổ tại địa phương, với khả năng diễn xuất hát bội thuần thục, ông Minh hiển nhiên có mặt trong đội bả trạo xã Nhơn Hải do thành lập năm 2013 - chỉ sau một năm địa phương thành lập đội bài chòi cổ vào năm 2012.
Vào đội bả trạo, ông Minh được giao đóng vai Tổng sanh - người điều khiển đội bả trạo múa hát theo nhịp gõ của cặp sanh cầm trên tay.
Ông Minh (đứng hàng đầu ở giữa) đóng vai Tổng sanh trong đội bả trạo biểu diễn tại Lễ hội cầu ngư ở địa phương. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ông Minh cho biết: “Vai Tổng sanh trong đội bả trạo không biểu diễn nhiều bằng vai Tổng lái, Tổng thương, nhưng phải bắt nhịp gõ sanh cho đúng để quân trạo múa. Vai Tổng sanh cũng phải diễn sao cho ăn khớp với các vai còn lại; khi nói lối, hay hát phải ra chất hát bội Bình Định”.
Việc thành lập đội bả trạo không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của miền biển. Cơ duyên đưa ông Minh đến với vai trò đội trưởng đội bả trạo cũng từ sự đam mê, tận tâm với văn hóa truyền thống.
“Năm 2018, tôi được địa phương tin tưởng giao làm đội trưởng đội bả trạo. Giữ vai trò “đầu tàu” của đội bài chòi và bả trạo, tôi biết mình gánh vác trọng trách nặng nề trong việc giữ gìn giá trị di sản văn hóa ở địa phương. Tôi cùng các thành viên của hai đội đang tìm lớp trẻ để trao truyền lại cho các cháu nắm giữ, thực hành kế thừa di sản để không mai một!”, ông Minh trải lòng.
Ông Nguyễn Khắc Vũ, Trưởng vạn Lăng Ông Nam Hải xã Nhơn Hải, tâm sự: “Anh Minh không chỉ góp phần gìn giữ, duy trì hoạt động của đội bả trạo, mà còn rất năng nổ trong vai trò Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn vận động bà con nhân dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao trong Lễ hội cầu ngư, như: Kéo co, bơi thúng, nhảy bao bố…, tạo thành công của lễ hội tổ chức thường niên”.
“Chính sự nhiệt tình, xông xáo của chú Nguyễn Văn Minh đã góp sức giúp địa phương gìn giữ bản sắc nghệ thuật bài chòi cổ, bả trạo, cũng như các phong trào, hoạt động xã hội, góp phần gắn kết cộng đồng. Lãnh đạo xã cũng quan tâm động viên tinh thần, hỗ trợ cho đội bài chòi, đội bả trạo hoạt động và trao truyền cho lớp trẻ để bảo tồn văn hóa truyền thống và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương”, ông Ngô Quang Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, chia sẻ.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN