An Lão vào mùa săn tìm mật ong
Mùa này, những nhóm thợ săn tìm mật ong ở huyện An Lão rong ruổi cả ngày khắp những cánh rừng, triền đồi, hẻm núi để tìm mật, nhộng kiếm thêm thu nhập. Nơi được nhắc đến nhiều nhất là xã An Toàn.
Ong rừng thường xây tổ, sinh sản vào khoảng tháng 7 đến tháng 9 dương lịch. Thời điểm này, tổ ong to chắc nên sẽ thu hoạch được nhiều mật, nhộng. Tuy nhiên, giữa những cánh rừng bao la, cây cối um tùm, để xác định chính xác điểm làm tổ của ong hoàn toàn không đơn giản. Nhưng với những người đã thuộc lòng từng gốc cây, nhớ như in từng phiến đá như những thợ săn tìm mật ong lão luyện thì đó không phải trở ngại lớn. Bởi lẽ họ luôn biết ong thường làm tổ trong khu vực rừng già hay trong bụi rậm. Để phát hiện tổ ong, thợ giàu kinh nghiệm sẽ để ý quan sát những con ong thợ bay về là có thể xác định vị trí ong làm tổ.
Anh Đinh Văn Thôi và Đinh Văn Đức, thôn 2, xã An Toàn, phấn khởi với thành quả sau một ngày đi săn ong. Ảnh: D.T.D
Anh Đinh Văn Thôi - ở thôn 2, xã An Toàn, người có hàng chục năm kinh nghiệm dọc ngang trên những cánh rừng khắp huyện để săn tìm mật ong, nhộng ong - chia sẻ: Ong rừng rất nguy hiểm khi phát hiện có người đến gần tổ, nên để lấy được tổ cần phải có kinh nghiệm. Trước đây, cách bắt ong chủ yếu sử dụng bùi nhùi đốt rồi dùng khói đuổi ong để lấy tổ. Nhưng cách lấy này nhiều lúc cũng gặp nguy hiểm. Bởi nhiều con ong nấp kín trong tổ không bị ngạt, khi tản khói xong vẫn có thể chui ra và tấn công hoặc gây ra cháy rừng. Còn bây giờ, hầu hết người săn ong thường sử dụng bộ bảo hộ tự chế hoặc đặt mua bằng chất liệu vải bạt, vải bò mặc vào, có mũ trùm kín mít phần đầu, nên ngay cả khi bị ong vò vẽ tấn công cũng rất yên tâm. Nhưng quan trọng nhất là không lo gây cháy rừng, hơn nữa đàn ong vẫn sống, có thể nhanh chóng tái tạo một tổ khác. Như vậy vừa bảo vệ môi trường vừa giữ mức độ an toàn nhất định cho ong để giữ nguồn dài lâu.
Thường mỗi tổ ong có trọng lượng 2 - 4 kg, nhưng cũng có những tổ ong lấy được 4- 5 tầng, nặng 5 - 6 kg. Trước đây, vào mùa ong xây tổ, sinh sản, đa số người vào rừng săn nhộng ong chỉ để cải thiện bữa ăn trong gia đình. Nhưng hiện nay, nhiều người, đặc biệt là những người giỏi việc săn tìm mật ong ở An Toàn, coi đây như một nghề chính để mưu sinh. Anh Đinh Văn Đức, cũng ở thôn 2, xã An Toàn, cho hay: Trước đây thu nhập chính lấy từ mật ong. Nhưng gần đây nhộng ong được giá, tiêu thụ lại ổn định nên nhiều thợ săn chịu khó tách nhộng ong ra để bán riêng, mật ong bán riêng; chịu khó tốn công một chút nhưng làm như vậy được giá cao hơn cả tổ. Lợi vậy nên giờ không mấy ai bán nguyên cả tổ như trước nữa. Riêng nhộng mỗi cân đã có giá từ 300 - 350 nghìn đồng; mật ong rừng có giá từ 370 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng/lít. Từ đầu những ngày nắng nóng cực đoan tới giờ, mỗi ngày nhóm chúng tôi có thể thu nhập đến tiền triệu mỗi người sau một ngày đi rừng chăm chỉ.
Đối với nhộng ong, người dân thường đem về nấu cháo hoặc xào lá tía tô là đã trở thành món ăn với cơm, lai rai vài chén rượu thì rất thú vị. Còn ở các quán nhậu, nhà hàng thì chế biến đủ các món như nhộng ong chiên giòn, nhộng ong trộn xoài, nhộng ong xào măng… Nhiều người đem nhộng ong ngâm rượu để làm một thứ thuốc bổ.
Chị Nguyễn Thị Kim Chung, chủ một nhà hàng ở thị trấn An Lão, cho biết: Nhộng ong là đặc sản của người dân vùng núi An Lão, vừa ngon, vừa giàu dinh dưỡng nên được khá nhiều khách trong và ngoài huyện ưa chuộng. Hiện đang trong mùa, nên tôi gọi điện đặt hàng, nhờ thợ săn nhộng ong gom lại để thu mua với giá làm sạch là 350 nghìn đồng/kg.
Sau chuyến công tác ở An Toàn về cùng với niềm vui lây từ những người thợ săn tìm mật ong, tôi còn có thêm một niềm vui lớn không kém - tôi tin những ai yêu quý rừng và tài nguyên rừng cũng sẽ vui như tôi - đấy là cách những người thợ săn tìm mật ong giữ gìn tổ ong. Cùng đi rừng với họ, tôi thấy họ không bao giờ cắt hết toàn bộ tổ ong; để ý việc phòng chống cháy rừng như đã cam kết với chính quyền và cơ quan kiểm lâm. Họ cũng tránh làm chết ong, tránh làm xáo trộn quá nhiều đến cây rừng khu vực có ong để còn có cơ hội trở lại trong mùa săn mật kế tiếp.
DIỆP THỊ DIỆU