Kinh doanh ăn uống trên bãi biển ở TP Quy Nhơn: Cần đúng quy định, phù hợp thực tiễn
Những năm qua, để góp phần phát huy giá trị bãi biển Quy Nhơn trong phục vụ du lịch, nhất là vào ban đêm, một số mô hình kinh doanh được phép hoạt động, thu hút đông du khách. Song, cũng có khu vực kinh doanh ăn uống trên bãi biển mang tính tự phát, ảnh hưởng đến cảnh quan, vệ sinh môi trường.
Trên bãi biển dọc tuyến đường Xuân Diệu (TP Quy Nhơn), 2 quán cà phê Surf Bar đã trở thành những điểm check in nổi tiếng ở TP Quy Nhơn; gần đây có thêm quán cà phê Sea Sand cũng thu hút nhiều du khách, người dân tìm đến.
Cách đây khoảng 2 tháng, quán cà phê Nhơn Hải Beach trên bãi biển xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) đi vào hoạt động, gây ấn tượng với du khách khi sử dụng các vật liệu tre nứa, lá và các thuyền thúng trang trí đậm chất miền biển. Theo Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải Đỗ Cao Thắng, Nhơn Hải Beach nằm trong khu vực quy hoạch dành cho tắm biển, dịch vụ du lịch của xã, tạo điểm đến mới, góp phần phát triển du lịch biển đảo, du lịch cộng đồng của địa phương.
Thực tế trên cho thấy, nếu được định hướng, đầu tư bài bản, đảm bảo quy định vệ sinh môi trường, đáp ứng nhu cầu của du khách, các điểm kinh doanh sẽ tạo sắc màu sinh động trên bãi biển, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch về đêm. Còn việc kinh doanh trên bãi biển nhưng phục vụ ăn uống hải sản theo cách làm tự phát, dù đã cấm vẫn tái diễn ở Bãi Xép (khu vực 1, phường Ghềnh Ráng) cần được xem xét lại một cách nghiêm túc.
Lấn chiếm bãi biển Bãi Xép phục vụ ăn uống tối 12.8. Ảnh: H.T
Chiều tối 12.8, ở bãi biển Bãi Xép, ngay phía dưới tấm bảng được UBND phường Ghềnh Ráng dựng lên có nội dung cấm tụ tập ăn uống, xả rác thải bừa bãi, buôn bán, kinh doanh lấn chiếm bãi biển, lại là cảnh bày bàn ghế, các chậu chứa hải sản tươi sống, thu hút đông khách.
“Vào vai” khách ở xa đến, chúng tôi hỏi một người kinh doanh ăn uống trên bãi biển, tại sao có bảng cấm mà vẫn hoạt động? Người này cho biết khi UBND phường Ghềnh Ráng, đơn vị chức năng của TP Quy Nhơn đến kiểm tra, làm “gắt” thì nghỉ bán. Hiện nay, một số hộ cũng chỉ dọn bàn ghế ra bãi biển bán vào hai ngày cuối tuần. Nguyên nhân chính là bán trong các nhà dân thì đa số diện tích nhỏ, không thấy được biển; khách chỉ thích ra ngồi bãi biển cho mát, ngắm cảnh lúc chiều tối.
Người này cho biết thêm: “Năm ngoái, một số hộ dân có đơn xin được bán trên bãi biển, sẽ giữ gìn vệ sinh môi trường, nhưng không được chấp thuận. Vừa qua, chúng tôi tiếp tục có đơn “ra tới tỉnh” và đang chờ trả lời. Khi có chúng tôi xuống buôn bán thì dọn dẹp bãi biển sạch sẽ để phục vụ khách, còn bình thường không có thì bãi biển chiều tối nhiều rác”.
Các du khách cũng nhìn nhận “dè dặt” về thực trạng này. Chị Võ Thị Cẩm (du khách ở huyện Tây Sơn), cho biết: “Tôi thấy người dân địa phương ở đây phục vụ thân thiện, cảnh ăn uống cũng không lộn xộn… Nếu đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm thì cũng nên xem xét cho duy trì để tạo việc làm, tăng thu nhập cho họ, khi Bãi Xép trở thành điểm du lịch nổi tiếng”.
Ông Nguyễn Đăng Khương (du khách ở Hà Nội) cùng gia đình được giới thiệu đến dạo chơi, thưởng thức hải sản ở Bãi Xép vào chiều tối 12.8, bày tỏ: “Tôi thấy thú vị với việc thưởng thức hải sản ngoài bãi biển nhỏ nằm riêng trong làng chài như ở Bãi Xép, lại được chính người dân địa phương khai thác và chế biến. Vấn đề là sự định hướng, quản lý như thế nào để hài hòa, phù hợp với thực tế”.
Từ năm 2019, UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực Bãi Xép đến năm 2025. Cuối năm 2022, UBND phường Ghềnh Ráng cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án này, cùng Quy chế Quản lý hoạt động du lịch cộng đồng tại khu vực Bãi Xép. Có lẽ từ chủ trương, văn bản đến thực hiện chưa được quan tâm đúng mức với giải pháp phù hợp, hiệu quả, nên việc kinh doanh ăn uống ở bãi biển Bãi Xép vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
HOÀI THU