Xây dựng các tuyến đường xanh - sạch - đẹp: Ðừng hô hào suông, phản tác dụng
Dù có bảng tuyên truyền hay gắn biển tuyến đường, công trình, mô hình bảo vệ môi trường tại một số địa phương, nhưng một bộ phận người dân vẫn mặc nhiên xả rác bừa bãi.
Chiều 18.8, chúng tôi đến khu phố 2 (phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn), để ý kỹ mới thấy tấm bảng nhỏ có nội dung tuyên truyền “Vì một môi trường xanh sạch đẹp” nằm lẩn khuất trong cây cỏ, xung quanh và đoạn đường gần đó có nhiều rác. Cách tấm bảng này chỉ vài trăm mét, cảnh tượng còn phản cảm hơn. Ngay cạnh tấm panô tuyên truyền (thuộc khu phố 3, phường Nhơn Phú) có nội dung “Rác là nguồn gây ô nhiễm, hãy làm sạch rác ở mọi nơi” cùng hình huy hiệu Đoàn, biểu trưng Hội LHTN Việt Nam TP Quy Nhơn, là nhiều loại rác vứt bừa bãi, dù có hộc chứa rác xây dựng bằng xi măng ngay dưới tấm bảng. Không chỉ thế, ở ngay phía đối diện là ngã ba đường càng nhiều rác vứt bừa bãi hơn.
Xả rác bừa bãi ngay cạnh tấm bảng tuyên truyền bảo vệ môi trường ở khu phố 3, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn. Ảnh: H.T
Một người dân ở khu phố 3 (phường Nhơn Phú) cho biết: “Tấm bảng tuyên truyền cũng như không khi còn những người dân thiếu ý thức bảo vệ môi trường chung cho cộng đồng. Địa phương nên tăng cường tuyên truyền trực tiếp đến họ, theo dõi và xử phạt nghiêm các trường hợp vứt rác sai quy định”.
Tình trạng này cũng không hiếm ở địa phương khác. Chẳng hạn, ở đoạn đường tự quản vệ sinh môi trường của Hội Nông dân xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) vẫn còn khá nhiều rác. Tại thôn Xuân Phương (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), dù trên tuyến đường có các tấm bảng của Ban Công tác Mặt trận thôn tuyên truyền từng hộ gia đình tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, Hội LHPN xã xây dựng tuyến đường tự quản chung tay bảo vệ môi trường, vẫn có tình trạng vứt rác bừa bãi ở ven đường và dưới dòng kênh mương. Một người dân ở thôn Xuân Phương cho rằng đây là “chuyện bình thường” từ thói quen của một số người dân.
Sự thiếu ý thức của người dân cũng sẽ ảnh hưởng đến các công trình, mô hình bảo vệ môi trường ở khu dân cư. Điển hình là công trình trồng cây xanh hưởng ứng Chương trình “Mỗi phụ nữ một cây xanh, mỗi cơ sở Hội một công trình cây xanh” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, được Hội LHPN phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn) thực hiện ở khu phố Tiên Hòa. Chiều 19.8, chúng tôi thấy hàng cây được trồng thực hiện theo công trình từ tháng 3.2023 đến nay đang trơ trụi lá, chưa thấy vẻ đẹp của màu xanh, nhưng điều không đẹp thì hiển hiện dưới bãi cỏ xung quanh, vỉa hè gần đó là rác vứt bừa bãi.
Dù được thực hiện bài bản theo các tiêu chí cụ thể với thời gian dài hơn, nhưng trong số các tuyến đường văn minh xanh - sạch - đẹp đã được công nhận ở TP Quy Nhơn, có tuyến đường đang bộc lộ vấn đề từ công tác quản lý đến sự thiếu ý thức chung tay xây dựng, gìn giữ của người dân. Đến tuyến đường Đống Đa (phường Thị Nại) cuối tuần vừa qua, chúng tôi thấy rất nhiều nơi có tình trạng xả rác, nước thải bừa bãi ở vỉa hè, lòng đường; khá nhiều người lấn chiếm vỉa hè để buôn bán…
Anh Đinh Thanh Tùng, người dân tại phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn), cho biết: “Tôi có việc thường hay đi qua đường Đống Đa, thấy cảnh ban đêm các hàng quán ăn uống bày bàn ghế ra phục vụ nhiều khách. Có khi tôi đi xe máy trên đường còn phải né những bịch rác to để bừa bãi dưới lòng lề đường. Tôi cũng bất ngờ khi biết đây là tuyến đường văn minh xanh - sạch - đẹp”.
Theo báo cáo của các sở, ban, ngành, địa phương, ngày càng có nhiều hơn các tuyến đường, công trình, mô hình xanh - sạch - đẹp lan tỏa rộng rãi từ đô thị đến nông thôn. Tuy nhiên, cần xem xét sau khi công nhận, “đưa vào báo cáo” thì hiệu quả lâu dài ra sao; có sự quan tâm, duy trì các hoạt động tuyên truyền, chăm sóc, bảo vệ thường xuyên hay không mới là điều quan trọng. Còn nếu chỉ hưởng ứng phong trào ban đầu rồi “bỏ lơ” về sau, trước hết nên dỡ bỏ tấm bảng tuyên truyền ở những nơi đang phản tác dụng.
HOÀI THU